Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia, trong đó trình độ phát triển nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam luôn chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, xác định là khâu đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; nền tảng phát triển bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Mặc dù đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định, nhưng trước xu thế hội nhập, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam |
Việt Nam với lợi thế là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ
Hiện nay, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, dân số Việt Nam vào khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 55,16 triệu người. Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Song song với đó, chất lượng lao động Việt Nam trong những năm qua cũng đã từng bước được nâng lên; Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận hầu hết các vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao trong sản xuất, kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài… Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cho biết:
"Chúng tôi vẫn đặt đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới là quan trọng và cấp thiết. Quản trị nguồn nhân lực trong bối cảnh mới đòi hỏi phải có sự thay đổi, đổi mới trong cả đào tạo, trong cả nghiên cứu và trong cả ứng dụng thực tiễn. Chúng tôi muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đào tạo của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác giữa các bên, giữa các tổ chức quốc tế với trường đại học và doanh nghiệp của Việt Nam, đưa ra được những mô hình mới trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực."
Xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là phải chuẩn bị lực lượng lao động có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13, 14 trên thế giới và đặc biệt là quy mô nền kinh tế đứng thứ 37, 38 thế giới, nhưng chưa đứng vào tốp 50 nước hàng đầu thế giới về đào tạo nghề nghiệp. Tại Hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 18 của Hiệp hội Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế (AHRD) vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cần có khát vọng mãnh liệt hơn nữa để vươn lên sánh ngang với các nước tiên tiến khu vực và thế giới, đưa nền kinh tế thăng tiến trong chuỗi giá trị cao hơn. Công tác đào tạo nghề cần bám sát vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao các doanh nghiệp trong và ngoài nước:
"Xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm gắn kết nội dung và chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. Nhà nước, Nhà trường, doanh nghiệp phải có chính sách rõ hơn. Doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập liên thông doanh nghiệp nhà trường trong quá trình đào tạo và tuyển học viên khi tốt nghiệp. Với nhà trường, tập trung tạo điều kiện cho các giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp và quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy, các trang thiết bị học tập thực hành."
Để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, Chính phủ cũng như ngành Giáo dục đã và đang xây dựng nhiều chính sách thích hợp, trong đó tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, Chính phủ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, có những chính sách ưu đãi thu hút các trường đại học, dạy nghề đẳng cấp quốc tế vào Việt Nam hoạt động.