Do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến tình trạng suy giảm nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều thập niên qua. Một số đánh giá thậm chí dự báo kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc đại suy thoái tồi tệ tương tự hoặc tệ hại hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. - Nguồn: TTXVN |
Trong bài phân tích chung đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 9/9, cả Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ còn kéo dài, khả năng hồi phục vẫn rất mong manh và không đồng đều giữa các vùng và các lĩnh vực. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia buộc phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh tế…, tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là các chỉ số và dự báo triển vọng kinh tế u ám liên tiếp được đưa ra.
Những con số báo động
Giới phân tích phố Wall (Mỹ) nhận định đại dịch Covid-19 sẽ khiến GDP toàn cầu mất tới 5.000 tỷ USD. Còn theo IMF, dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng -4,9% năm 2020, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng -8%, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng -3%. Tương tự, Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng -5,2%, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng -7% và các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng -2,5%.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới. - Nguồn: nhadautu.vn |
Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 cả về số người mắc và số ca tử vong, quý II vừa qua có mức tăng trưởng GDP là -9,1%, lớn gấp nhiều lần mức -1,3% của quý I. IMF dự báo kinh tế Mỹ trong cả năm 2020 sẽ giảm 6,6%. Đặc biệt, một số định chế tài chính quốc tế thậm chí dự báo kinh tế Mỹ năm nay có thể ghi nhận mức suy giảm lên tới hơn 8%, mức suy giảm chưa từng có trong nhiều thập niên qua.
Còn tại châu Âu, nền kinh tế lớn nhất châu lục là Đức, ghi nhận mức suy giảm tới 10,1% trong quý II/2020, trong khi nền kinh tế khu vực Eurozone giảm 12,1%.
Theo giới phân tích, đây thực sự là những con số đáng báo động, cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, có thể sánh ngang và thậm chí nghiêm trọng hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 1930.
Khả năng phục hồi
Mặc dù cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ còn kéo dài, song trong bài phân tích trên Foreign Policy ngày 9/9, Tổng giám đốc và Nhà kinh tế trưởng IMF đồng thời nhận định rằng kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian suy giảm nghiêm trọng vì tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khả năng kinh tế hồi phục hoàn toàn là rất thấp, nếu thế giới không có vaccine phòng dịch hiệu quả. Đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra trước đó với sự nhấn mạnh rằng triển vọng phục hồi kinh tế thế giới phụ thuộc chủ yếu vào việc sản xuất vaccine hiệu quả phòng dịch Covid-19. Với việc Nga mới đây đã cấp phép lưu hành vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và nhiều quốc gia đang tăng tốc điều chế vaccine, kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế ngày càng được củng cố.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, cũng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực. Từ cuối tháng 7, Bloomberg dẫn nguồn từ ngân hàng UBS Group AG (Thụy Sỹ) nhận định, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 2,5% năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,5% mà chính định chế tài chính này đã đưa ra trước đó. Đến quý III năm nay, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,5% và tăng lên mức 6% vào quý cuối cùng của năm. Dự báo tăng trưởng mới dựa trên sự phục hồi tiêu dùng trong nước và đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia và các nhà phân tích vẫn liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái nghiêm trọng vẫn đang rình rập nền kinh tế toàn cầu vì nhiều yếu tố. Trong số đó có lý do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa biết bao giờ mới đến hồi kết; khó khăn trong việc phân bổ vaccine ngừa Covid-19; những căng thẳng địa chính trị liên tiếp bùng phát tại nhiều khu vực trên thế giới… Bởi vậy, mỗi quốc gia và cá thế giới vẫn cần đề cao cảnh giác, kiên trì thực hiện các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh song hành với việc phục hồi kinh tế.