Mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đến Thụy Sĩ, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại thành phố Davos trong 3 ngày.

(VOV5) - Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đến Thụy Sĩ, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại thành phố Davos trong 3 ngày.


Cùng với phái đoàn của hơn 70 quốc gia, hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị bàn luận về những vấn đề kinh tế- phát triển và thời sự toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập.


Thành lập vào năm 1971 theo ý tưởng của Chủ tịch, Nhà sáng lập Klaus Schwab, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày nay đã trở thành một trong những diễn đàn uy tín nhất thảo luận về các vấn đề kinh tế-phát triển cũng như các xu thế lớn tác động tới chính sách của các nước, khu vực và quan hệ quốc tế ở cấp độ toàn cầu.

Mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới - ảnh 1
Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong 2016 (Ảnh vov)



Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Diễn đàn Davos có sự tham dự của đông đảo các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu. Diễn đàn Davos là những cơ hội rất tốt để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.


Hợp tác ngày càng chặt chẽ
 

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay có chủ đề "Sự lãnh đạo Có trách nhiệm và Sẵn sàng phản ứng". Các phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.


Từ năm 1989, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới có quan hệ hợp tác. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler đã thăm Việt Nam ngày 28/11/2014, ngày 22/7/2015 và ngày 25/4/2016. Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Gần đây nhất, tháng 10/2016, nhân dịp Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia -Lào- Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawwady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong nhằm quảng bá tiểu vùng Mekong đến cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới. 


Truyền thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quan hệ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới tiếp tục trên đà phát triển tích cực. Đặc biệt, Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới-Mekong nhân dịp Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawwady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7) tại Hà Nội vào tháng 10/2016, là một dấu ấn trong quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đánh giá cao. 

Hiện tại, Việt Nam có 11 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; Tập đoàn FPT; Tập đoàn VinGroup và VinaCapital; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn; Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA; Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt; Tập đoàn Hoa sen; Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam. 

Mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới - ảnh 2
Cảnh sát tuần tra tại khu vực diễn ra Diễn đàn Davos (sggp.org.vn)



Là nền kinh tế đang nổi trong khu vực Đông Á đang phát triển năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng của WEF và đang hợp tác với WEF trong một số lĩnh vực cùng quan tâm. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tích cực tham gia triển khai Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp (New Vision for Agriculture) với mục tiêu chính là bảo đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua cách tiếp cận thị trường, gắn kết sự tham gia của các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân), đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công - tư. Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, Việt Nam đang có trong tay những điều kiện thuận lợi để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bao gồm lực lượng lao động trẻ sáng tạo, chăm chỉ và năng động.


Trên cơ sở đó, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 tại Davos sẽ truyền thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam tại Hội nghị, đặc biệt là cơ hội quảng bá sự kiện Năm APEC Việt Nam 2017. Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Davos năm nay một mặt thể hiện quan hệ Việt Nam và WEF đang tiếp tục trên đà phát triển tích cực, mặt khác cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và có đóng góp lớn trên các diễn đàn quốc tế.

Feedback