Các hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Israel và lực lượng Hamas trong tuần qua tan biến sau khi các nỗ lực ngoại giao rơi vào bế tắc. Cùng lúc đó, nỗi lo về thảm họa nhân đạo lớn nhất từ khi xung đột tại dải Gaza bùng phát ngày càng lớn hơn, khi quân đội Israel công bố kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah.
Hơn 4 tháng sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng nổ tại dải Gaza, các hy vọng về một lệnh ngừng bắn lâu dài đang ngày càng trở nên mờ mịt hơn sau khi các đàm phán ngoại giao kết thúc hôm 13/02 tại Cairo (Ai Cập) trong bế tắc.
Khung cảnh hoang tàn do chiến sự ở Dải Gaza ngày 16/2. Ảnh: AFP |
Ngoại giao rơi vào ngõ cụt
Hôm 18/02, phát biểu khi đang tham dự Diễn đàn an ninh Munich (MSC) tại Đức, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani, thừa nhận những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Israel và lực lượng Hamas đang rơi vào ngõ cụt sau gần 3 tuần đàm phán dồn dập.
Cùng với Mỹ và Ai Cập, Qatar là một trong những nước bảo trợ và thúc đẩy mạnh mẽ “thỏa thuận con tin” giữa Israel và Hamas, theo đó lực lượng Hamas sẽ trả tự do cho các con tin người Israel mà lực lượng này đang giam giữ, để đổi lấy các tù nhân người Palestine cùng 1 lệnh ngừng bắn lâu dài.
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani (giữa) tham dự cuộc thảo luận bên lề Hội nghị An ninh Munich (MSC), tại Munich, Đức, ngày 17/2/2024. Ảnh: EPA/Anna Szilagyi |
Các hy vọng đạt thỏa thuận được nhen nhúm khi đại diện các bên tham gia xung đột, cùng quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ, Qatar và một số nước Trung Đông có mặt tại thủ đô Cairo (Ai Cập) tuần trước để đàm phán. Tuy nhiên, đến ngày 13/02, các bên chấm dứt đàm phán mà không đạt được bất cứ tiến triển nào.
Thủ tướng Qatar, Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani, thừa nhận: “Thời gian không đứng về phía chúng ta. Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán trong vài tuần qua và cố gắng đạt được 1 thỏa thuận giữa 2 bên. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, tiến triển không được như kỳ vọng và tôi tin rằng vẫn còn nhiều khác biệt giữa các bên”.
Theo lãnh đạo Qatar, các cuộc đàm phán gần đây tập trung vào 2 nội dung chính, gồm: việc mở một hành lang nhân đạo tại dải Gaza và số lượng tù nhân Palestine được trả tự do để đổi lấy số con tin do Hamas đang giam giữ.
Các đàm phán về vấn đề nhân đạo có tiến triển song Israel và Hamas bất đồng gay gắt về số lượng tù nhân Palestine đổi lấy số con tin Israel. Phát biểu hôm 17/02, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tuyên bố sẽ không có bất cứ đàm phán nào khác diễn ra chừng nào Hamas chưa thay đổi các đòi hỏi của lực lượng này: “Cuộc đàm phán này cần có một lập trường cứng rắn. Tôi muốn nói với các công dân Israel rằng cho đến tận lúc này, các đòi hỏi của Hamas là hoang đường. Họ muốn đánh bại Israel và đương nhiên chúng tôi không thể đồng ý. Nhưng khi nào Hamas từ bỏ các đòi hỏi này, chúng tôi có thể tính tiếp”.
Bên cạnh tuyên bố không nhượng bộ trong đàm phán, chính phủ Israel tiếp tục giữ các quan điểm cứng rắn khác, như: bác bỏ sự công nhận “đơn phương” của các quốc gia với nhà nước Palestine độc lập; từ chối hủy bỏ kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam dải Gaza. Cùng lúc đó, chính quyền Mỹ cuối tuần qua tiếp tục phản đối dự thảo Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo tại Gaza, do Algeria đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ), khiến các nỗ lực ngoại giao đa phương càng thêm khó khăn.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo lớn hơn
Các nỗ lực ngoại giao bế tắc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn có thể ập đến dải Gaza trong những tuần tới, khi chính quyền Israel hôm 19/02 cho biết sẽ tấn công thành phố Rafah từ đầu tháng 3, nếu lực lượng Hamas không trả tự do cho toàn bộ các con tin.
Nằm ở cực Nam dải Gaza, Rafah được xem là nơi trú ẩn cuối cùng của những người Palestine chạy trốn xung đột từ cuối năm ngoái. Theo số liệu của LHQ, hiện có khoảng 1,3 đến 1,4 triệu dân thường Palestine đang trú ẩn tại thành phố Rafah, biến nơi đây thành đô thị có mật độ dân số dày đặc nhất thế giới. Do đó, bất cứ hành động quân sự nào tại Rafah cũng có thể gây ra các tổn thất sinh mạng khó lường, vào thời điểm cuộc xung đột bùng phát từ tháng 10 năm ngoái tại dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của gần 30 ngàn thường dân Palestine, đồng thời buộc 85% dân số dải Gaza, tương đương khoảng 1,7 triệu người, phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hơn 500 ngàn người đang rơi vào nạn đói trầm trọng.
Phát biểu hôm 16/02 tại thủ đô Paris, sau khi thảo luận với Quốc vương Jordan về tình hình tại dải Gaza, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cảnh báo 1 cuộc tấn công vào Rafah có thể tạo nên thảm họa nhân đạo lớn chưa từng thấy: “Thiệt hại sinh mạng của cuộc chiến này cho đến nay là không thể chấp nhận nổi. Cách đây vài ngày tôi đã nhắc lại với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, rằng cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah có thể dẫn đến một thảm họa nhân đạo chưa từng có tiền lệ và sẽ là một bước ngoặt của cuộc xung đột”.
Bên cạnh nguy cơ nhân đạo, một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Israel vào Rafah nhiều khả năng sẽ đẩy hàng trăm ngàn người Palestine chạy tị nạn sang bán đảo Sinai của Ai Cập gần đó, tạo nên một cuộc khủng hoảng mới với Ai Cập. Hôm 18/02, Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry, cảnh báo Ai Cập coi đây là lằn ranh đỏ, có thể khiến quan hệ giữa Ai Cập và Israel đổ vỡ và đẩy xung đột lan rộng ra khu vực.