Trung Quốc đang trải qua đợt lũ lụt lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục triệu người ở khu vực miền nam Trung Quốc. Bên cạnh các yếu tố do biến đổi khí hậu, giới chuyên gia quốc tế vẫn liên tục đưa ra những phân tích, nhận định khác nhau liên quan đến tính hiệu quả cũng như vấn đề quản lý nguồn nước của các con đập xây dựng ở phía thượng nguồn trong phòng chống lũ lụt.
Nhà cửa, đường sá bị phá hủy sau mỗi đợt lũ quét - Nguồn: Peolpe's Daily
|
Theo số liệu từ Chính phủ Trung Quốc, mưa, lũ lụt trên khắp các vùng rộng lớn ở miền trung và miền đông nước này đến nay đã khiến hơn 140 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 38 triệu người khác và phá hủy 28.000 ngôi nhà. Lũ lụt không chỉ tiếp tục gây hậu quả nặng nề đối với hệ thống đê điều trên sông Trường Giang (Dương Tử) ở phía nam mà còn đang đe dọa cả hệ thống sông Hoàng Hà và các tỉnh thành miền bắc.
Thiệt hại nặng nề
Các trận mưa lớn từ cuối tháng 5 đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng hoặc mất tích và ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ gia đình ở miền nam Trung Quốc. Mưa lớn kéo dài bất thường còn gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong vòng vài thập kỷ qua, ước tính sơ bộ thiệt hại đã lên tới 13,5 tỷ USD. Mực nước của 33 con sông đã dâng cao lên mức kỷ lục, trong khi cảnh báo nguy cơ nước tràn bờ ở 433 con sông.
Từ đầu mùa mưa lũ tới nay, giới chuyên gia Trung Quốc và quốc tế vẫn liên tục đưa ra những phân tích, nhận định khác nhau liên quan đến tính hiệu quả cũng như năng lực phòng chống lũ lụt và tác động của việc xây dựng các công trình thủy siêu khủng đa mục tiêu của Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý nhất là đập Tam Hiệp có chiều dài 2,3 km, cao 185 m, hiện vẫn giữ kỷ lục là đập thủy điện lớn nhất thế giới chặn ngang sông Dương Tử. Con đập được xây dựng và đi vào vận hành từ năm 2003 với mục đích ngăn chặn lũ lụt dọc sông Dương Tử. Tuy nhiên, vì lo ngại lũ lụt ở thượng nguồn vào mùa hè khiến con đập quá tải nên chính quyền địa phương dự trữ nước hồ chứa ở mức thấp (bằng cách mở cửa xả ở những nhánh sông ở hạ lưu). Nhưng động thái này khiến nước lũ hiện nay đổ xuống hạ nguồn, gây ngập nặng cho các vùng bên dưới con đập. Thêm nữa, lượng mưa từ đầu tháng đổ về gây mực nước trong đập tăng cao.
Đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ - Nguồn: THX
|
Hiện nay, Trung Quốc đã cho xây dựng hơn 30.000 trạm quan trắc nước lũ dọc sông Dương Tử, có thể cung cấp các dữ liệu giúp chính quyền các địa phương đưa ra dự đoán chính xác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiệu quả thực sự của mạng lưới phòng chống lũ còn phải tùy thuộc vào các đập riêng lẻ và mức độ nghiêm trọng của lượng mưa. Một khi lũ lụt vẫn nghiêm trọng do mưa lớn không dứt thì khó có thể dự báo được chính xác. Thời điểm này, Trung Quốc đang bước vào mùa mưa nên những trận mưa lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn từ nay đến đầu tháng 8.
Vấn đề quản lý nguồn nước từ thượng nguồn
Nhiều nhà địa chất học Trung Quốc từ lâu phản đối các dự án thủy điện lớn, cho rằng sức chứa của đập Tam Hiệp chỉ chiếm phần trăm ít ỏi lượng nước lũ. Đập Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ ở vùng thượng nguồn và đóng góp rất ít trong việc kiểm soát lũ gây ra do mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử. Theo các chuyên gia, khi xây dựng đập, giới hoạch định đã bỏ qua năng lực điều tiết lũ tự nhiên của các con sông và hồ nước. Bản thân, chính quyền Trung Quốc gần đây cũng thừa nhận rằng không thể chỉ dựa vào đập Tam Hiệp để điều tiết lũ cho cả vùng đồng bằng sông Dương Tử. Theo các chuyên gia, đỉnh lũ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ là bài kiểm tra thật sự cho năng lực quản lý lũ của đập Tam Hiệp và thách thức lớn nhất vẫn đang còn ở phía trước.
Trên thế giới, ngày càng nhiều người phản đối việc xây dựng các đập lớn. Người dân ngày càng cố gắng để bảo vệ các con sông và sinh kế phụ thuộc vào sông của mình khỏi những tác động của việc xây dựng các đập lớn. Bên cạnh đòi hỏi được đền bù thiệt hại do các con đập cũ gây nên, họ cũng đề xuất những giải pháp thay thế hữu hiệu hơn trong việc cấp điện, nước và quản lý lũ như xây các đập nhỏ và bảo tồn nguồn nước. Nhiều họat động trên trường quốc tế trong vài thập kỷ qua nhằm chỉ ra các tác động tiêu cực của việc xây dựng đập lớn, con đập đã phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều đập lớn vẫn đang tiếp tục đe dọa cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.