Lời hứa và trách nhiệm trước cử tri

Chia sẻ
(VOV5) - Việc từng ứng cử viên đại biểu dân cử hiện thực hóa lời hứa, chương trình hành động của mình sẽ góp phần khẳng định uy tín của cơ quan dân cử trong lòng dân.

Ngày 23/5, hơn 69 triệu cử tri Việt Nam sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân khi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Lời hứa và trách nhiệm trước cử tri - ảnh 1Hà Nội lên phương án cụ thể, tổ chức cho các cử tri tại các khu vực cách ly, phong tỏa bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình. Ảnh: VOV

Trong cuộc bầu cử ngày 23/5 tới, các cử tri sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội, 3.727 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Để trở thành đại biểu dân cử, các ứng cử viên đều trải qua quy trình gồm nhiều bước, với 3 vòng hiệp thương. Đây là các bước sàng lọc để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu. Điều 21 của Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ: đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng quy định: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý Nhà nước.

Việc trở thành đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Trung ương hay cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương là niềm vinh dự với bất kỳ ứng cử viên nào trong bầu cử.

Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối. Tại buổi lễ sau cuộc tổng tuyển cử, Người hứa làm hết sức mình vì độc lập, tự do hạnh phúc cho dân tộc. Lời hứa ấy đã trở thành hiện thực. Trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thắng lợi, ngày 15/7/1960, Người cũng nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. Tức là, đã hứa với nhân dân những gì thì phải làm cho kỳ được. Rộng hơn nữa đó chính là yêu cầu “nói đi đôi với làm”.

Lời hứa và trách nhiệm trước cử tri - ảnh 2BĐBP tỉnh An Giang tuyên truyền, giới thiệu về tiểu sử của các ứng cử viên đến cán bộ, chiến sỹ. Ảnh: VOV

Thời gian qua, kể từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách bầu cử cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều hình thức vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri từ trực tiếp đến trực tuyến. Các ứng cử viên đã đưa ra dự kiến chương trình hành động nhằm thực hiện trách nhiệm của đại biểu nếu trúng cử. Điểm chung là Chương trình hành động đều thể hiện sự gần dân, sát dân, tích cực hiến kế để xây dựng địa phương và đất nước ngày càng phát triển... Những nội dung cụ thể xoay quanh nhiều vấn đề quốc kế dân sinh như: thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các đề án, chính sách liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; các chính sách về hỗ trợ việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo…

Mọi cử tri đều đặt niềm tin nếu trúng cử, các đại biểu sẽ phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác, hoàn thành tốt lời hứa cũng như chức trách, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Chính quyền địa phương, nhân dân và cử tri sẽ là những người giám sát việc thực hiện chương trình hành động của các đại biểu.

Trong 75 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam, qua các cuộc bầu cử, cử tri cả nước đã bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt nhân dân, thực hiện quyền đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Phát biểu tại buổi gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2021), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định rằng: Suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước thềm cuộc bầu cử ngày 23/5 tới để bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, cử tri cả nước tiếp tục đặt niềm tin lớn vào việc từng ứng cử viên đại biểu dân cử hiện thực hóa lời hứa, chương trình hành động của mình.

Feedback