Từ ngày 03-13/06, Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức Hội nghị biến đổi khí hậu tại thành phố Bonn, Đức. Đây là Hội nghị giữa kỳ nhằm đánh giá hiện trạng thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay trên thế giới, đồng thời xây dựng các mục tiêu tham vọng mới cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 29 – COP29, diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan.
Khoảng 6.000 đại biểu, đến từ 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế, hiệp hội dân sự tham gia Hội nghị tại Bonn.
Trọng tâm tài chính khí hậu
Hội nghị tại Bonn có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trên thế giới, bởi ngoài các Hội nghị Thượng đỉnh COP hàng năm, Hội nghị tại Bonn là diễn đàn thường niên duy nhất về các chủ đề biến đổi khí hậu do UNFCCC đứng ra tổ chức. Trong 10 ngày diễn ra Hội nghị Bonn, các đại biểu cùng đánh giá tiến độ thực hiện các cam kết về khí hậu đã được thông qua tại COP28, diễn ra cuối năm ngoái tại Dubai (UAE), đồng thời xác định các chủ đề ưu tiên, xây dựng nghị trình đàm phán cho COP29 vào cuối năm nay tại thủ đô Baku, Azerbaijan.
Tại Bonn, 1 trong những chủ đề trọng tâm là tài chính khí hậu, cụ thể là xác định rõ mục tiêu, quy mô đóng góp tài chính của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như cơ chế của các khoản đóng góp này, là dưới dạng trợ cấp hay cho vay. Việc xác định rõ các mục tiêu và cơ chế này tại Bonn sẽ giúp các bên gia tăng cơ hội đạt được một thỏa thuận mới mang tính đột phá về vấn đề tài chính khí hậu tại COP29, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về việc thiếu vắng các cam kết tài chính khí hậu tham vọng cho giai đoạn sau năm 2025. Giám đốc điều hành UNFCCC, ông Simon Stiell, cho biết:"Các khoản trợ cấp mới và những hình thức cung cấp tài chính nhiều ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển cần phải đi cùng với việc cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, qua đó giảm nhẹ gánh nặng về nợ cho các nước, cung cấp nguồn tài chính hợp lý và tìm kiếm được các nguồn tài chính mới, sáng tạo hơn bên ngoài các quy trình thông thường. Chúng ta cũng cần xây dựng 1 thị trường carbon hiệu quả hơn, bởi thị trường này có thể mang lại nhiều nguồn thu hơn cho các chương trình khí hậu của các quốc gia”.
Hội nghị biến đổi khí hậu tại thành phố Bonn, Đức. Ảnh minh họa: Euronews |
Liên quan đến vấn đề tài chính, các thảo luận về Quỹ đền bù thiệt hại và mất mát cũng là một ưu tiên khác. Tại COP28, Quỹ này chính thức được vận hành nhưng hiện cơ chế hoạt động vẫn gây tranh cãi, khi Ngân hàng thế giới (WB) được chỉ định là nơi quản lý Quỹ, đồng thời các quốc gia phát triển không có nghĩa vụ đóng góp bắt buộc. Nhiều nước đang phát triển cho rằng điều này sẽ khiến Quỹ hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, Hội nghị Bonn cũng là nơi tiến hành vòng đàm phán cuối cùng của “Đối thoại Glasgow”, được khởi động tại COP26 năm 2021 ở Glasgow (Scotland), về ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý các mất mát, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, các bên cũng kỳ vọng thông qua được các thỏa thuận mới về việc gây Quỹ và vận hành Quỹ theo hướng bao trùm và có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn.
Ưu tiên tiếp theo của Hội nghị Bonn là thảo luận việc cụ thể hóa các cam kết về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, được xem là kết quả đáng chú ý nhất của COP28, vào trong bản Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) của các nước. Theo kế hoạch, các quốc gia sẽ phải đệ trình NDC mới lên LHQ vào đầu năm sau.
Đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Mặc dù tài chính khí hậu được dự đoán sẽ là chủ đề chính tại COP29 vào cuối năm nay ở Azerbaijan nhưng tại Hội nghị Bonn cũng như các sự kiện về khí hậu gần đây, sức ép về việc đẩy nhanh tiến độ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cũng đang ngày càng lớn hơn, sau khi nhiều báo cáo khoa học mới công bố cho thấy Trái Đất tiếp tục nóng lên với tốc độ đáng báo động. Cụ thể, hôm 06/06, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố Báo cáo cho thấy có khoảng 80% khả năng nhiệt độ trung bình Trái Đất sẽ tạm thời cao hơn ít nhất 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong 5 năm tới, tức vượt quá mục tiêu mà các nước đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về việc giữ cho Trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN |
Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết tháng trước là tháng 5 nóng nhất từ trước đến nay và là tháng thứ 12 liên tiếp phá vỡ kỷ lục như vậy. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 5 năm nay đã tăng 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trước thực trạng này, hôm 05/06, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres kêu gọi thế giới chấm dứt quảng cáo cho nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh tiến trình loại bỏ loại nhiên liệu là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. Theo người đứng đầu LHQ, mục tiêu giữ Trái Đất không nóng thêm 1,5 độ C mang tính sống còn với nhiều quốc gia và cộng đồng: “Sự khác biệt giữa 1,5 độ C và 2 độ C có thể là sự khác biệt giữa việc bị hủy diệt hay sống còn của các quốc đảo nhỏ và các cộng đồng ven biển, là sự khác biệt giữa việc giảm thiểu các thảm họa khí hậu hay vượt qua các điểm đổ vỡ nguy hiểm. Do đó, 1,5 độ C không phải là chỉ tiêu hay mục đích mà là một giới hạn vật lý”.
Theo các chuyên gia khí hậu, ngay cả khi lượng khí thải đạt mức 0 ngay bây giờ, biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây thiệt hại ít nhất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Số tiền này lớn hơn nhiều con số 2.400 tỷ USD cần thiết vào năm 2030 để các nước đang phát triển từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu.