Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và bền vững

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) -Năm 2017, 7/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nước đạt kết quả tích cực. 

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XIV sang 21/5, về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, cho thấy kinh tế Việt Nam đang có những phát triển ổn định. Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống tham nhũng.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và bền vững - ảnh 1 Quang cảnh kỳ họp - Minh Đạt/VOV

Theo báo cáo được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày trước Quốc hội và cử tri cả nước về tình hình kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để kinh tế Việt nam tiếp tục phát triển ổn định.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra

Tổng hợp kết quả năm 2017 cho thấy, 7/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nước đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 21% và xuất siêu 2,9 tỷ USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dung được tăng cường.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7%. Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh; trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 10%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại biên giới và các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.”

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay. Chính phủ và các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Ôn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Từ đầu năm 2018, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực. Chính phủ tiếp tục đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu; cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác, thị trường nhập siêu cao; phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu bền vững. Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả, đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.”

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời rà roát, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách cơ cấu lại các ngành công nghiệp, xây dựng. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình công nghiệp trọng điểm. Triệt để tiết giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng trong năm 2018 đạt khoảng 7,7%.

Feedback