Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức

Chia sẻ
(VOV5) - Theo Tổng Giám đốc IMF, những khó khăn và thách thức hiện nay đang tiếp tục đặt ra gánh nặng cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp. 

Bất chấp hàng loạt nỗ lực ứng phó của các Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng. Nguy cơ suy thoái đối với nhiều nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao trong năm 2022, thậm chí kéo dài hơn.

Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức - ảnh 1Các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương và trưởng đoàn dự ngày thứ hai của Hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 tại Bali, Indonesia, ngày 16/7. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 (FMCBG) diễn ra trong hai ngày 15-16/7 vừa qua tại Indonesia, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu vẫn "đặc biệt không chắc chắn" và có thể còn trở nên tồi tệ hơn nếu tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục hiện nay tại nhiều nền kinh tế lớn không được kiểm soát. Theo nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế, cảnh báo của người đứng đầu IMF đã cơ bản phản ánh những khó khăn và thách thức nghiêm trọng mà kinh tế toàn cầu đang và có thể sẽ phải đối mặt, đứng đầu là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên ở hàng loạt nền kinh tế lớn.

 Những chỉ số đáng lo ngại  

Hầu hết các phân tích và báo cáo quốc tế liên quan có chung quan điểm rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn dầu, khiến giá nhiênu liệu (dầu mỏ, khí đốt) và lương thực (ngũ cốc) tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế tại nhiều quốc gia vốn đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Minh chứng rõ ràng nhất là tỷ lệ lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế lớn, các nước giàu liên tục cao lên mức kỷ lục trong nhiều thập niên. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát vẫn tăng mạnh trong những tháng qua, bất chấp hàng loạt biện pháp ứng phó, đứng đầu là các quyết định nâng lãi suất mạnh liên tiếp của Cục dự trữ Liên bang (FED). Báo cáo mới nhất của Bộ tài chính Mỹ cho biết, lạm phát trong tháng 6 vừa qua đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa kỷ lục 8,6% thiếp lập trong tháng 5 và là mức cao nhất trong 40 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mô tả đây là mức lạm phát "cao không chấp nhận được".

Tình hình tại hầu hết các nền kinh tế châu Âu cũng không khả quan hơn. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 tại Italy tăng tới 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua. Tương tự, lạm phát của Pháp trong cũng tháng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991 khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) là Đức, lạm phát đã tăng lên mức 7,9%, mức cao nhất kể từ năm 1990, đồng thời vượt xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Bên cạnh đó, đồng tiền chung châu Âu là EURO cũng liên tục mất giá, phản ánh sự suy yếu sức mạnh kinh tế chung của cả khối.

Đặc biệt, ngay cả nền kinh tế vẫn được đánh giá là có khả năng miễn nhiễm tốt với tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay là Trung Quốc, tăng trưởng GDP trong quý II vừa qua cũng chỉ đạt mức 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với dự báo cũng như mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ nước này đặt ra. Tất nhiên, nguyên nhân của sự tăng trưởng khiêm tốn này ở Trung Quốc có sự khác biệt cơ bản so với hầu hết các nền kinh tế khác. Theo đó, giai đoạn vừa qua Trung Quốc đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng để kiểm soát dịch Covid-19, làm hạn chế đáng kể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, bất kể vì nguyên do gì, tỷ lệ tăng trưởng thấp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn được coi là một chỉ số bất lợi với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng như hiện nay.

Triển vọng và giải pháp

Theo Tổng Giám đốc IMF, những khó khăn và thách thức hiện nay đang tiếp tục đặt ra gánh nặng cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp. Theo đó, hơn 30% nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cùng 60% quốc gia thu nhập thấp, đang ở trong hoặc gần mức nguy cơ không thể trả nợ, tức vỡ nợ.

Trước thực tế này, người đứng đầu IMF kêu gọi các quốc gia cần làm mọi thứ có thể trong khả năng để kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, Tổng Giám đốc IFM cho biết, những cam kết bổ sung cho Quỹ giảm nghèo và tăng trưởng bền vững (PRGT) của IMF (chương trình cho vay ưu đãi dành cho các nước nghèo), sẽ sớm được đưa ra. Hiện các nước thành viên G20 đã cam kết gần 10,5 tỷ USD cho quỹ PRGT, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu. Trong khí đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cho rằng các chính phủ cần thiết lập và duy trì các kịch bản về phản ứng chính sách nhằm giảm thiểu thời gian, mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế cũng như các tác động lên người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế, giải pháp hàng đầu hiện nay vẫn là thúc đẩy nỗ lực để chấm dứt nhanh nhất có thể cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bởi lẽ, hàng loạt phân tích và báo cáo đã chỉ ra những tác động nghiêm trọng của tình trạng khủng hoảng này đối với kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, thay vì tìm kiếm biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, các bên liên quan nên thúc đẩy các cuộc đối thoại và tiếp xúc ngoại giao để xử lý vấn đề càng sớm càng tốt./.

Feedback