Kiều bào góp sức xây dựng quê hương

Chia sẻ
(VOV5) - Trong những thành tựu đất nước đạt được ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa năm 2014, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự góp sức của Kiều bào khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, là hiệu quả từ chính sách nhất quán coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. 

(VOV5) - Trong những thành tựu đất nước đạt được ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa năm 2014, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự góp sức của Kiều bào khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, là hiệu quả từ chính sách nhất quán coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. 


Hiện Việt Nam có khoảng 4,5 triệu Kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài. Tuy xa quê nhưng họ luôn hướng về Tổ quốc với những hoài bão, ước mơ xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp. 


Kiều bào góp sức xây dựng quê hương - ảnh 1


Các doanh nhân Việt Kiều về dự hội thảo đầu tư trong nước


Góp sức trên nhiều lĩnh vực


Trên lĩnh vực khoa học, xã hội, mỗi năm có khoảng 500.000 lượt Kiều bào về nước, trong đó khoảng hơn 300 chuyên gia, trí thức về làm việc. Bằng nhiều cách khác nhau, sự góp sức của Kiều bào giúp Việt Nam thu được những thành quả nhất định, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển. 

Về kinh tế, mỗi năm có hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tính đến nay, số lượng dự án được Kiều bào đăng ký đầu tư tại Việt Nam là hơn 2.000 dự án, tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD. Riêng năm 2014, tổng số kiều hối được chuyển về nước đạt 12 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.  Nếu như trước đây, Kiều hối chủ yếu tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm thì nay lượng kiều hối được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh gia tăng. Bà Hêlen Vân, Việt Kiều Thụy Điển sau khi thành đạt với 3 công ty tại Thụy điển, bà dành toàn bộ vốn liếng để đầu tư dự án Làng du lịch quốc tế Bắc Âu (Phú Yên), xây trại dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Theo bà Hêlen Vân, góp sức xây dựng quê hương là suy nghĩ không chỉ của riêng bà mà của nhiều người Việt Nam sống xa quê hương: Tôi trở về đất nước đầu tư. Mọi công việc đều diễn ra tốt. Tôi nghĩ nếu mình có sự kiên nhẫn thì mình đóng góp cho đất nước. Bởi vì, đất nước là cội nguồn, dù mình có giàu có đến mấy, dù mình có ở đâu chăng nữa thì đất nước là nơi mình luôn luôn hướng về,phải quay trở về và làm gì đó cho đất nước.


Trên lĩnh vực văn hóa, mỗi người Việt sống tại nước ngoài là một đại sứ chuyển tải bản sắc văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Với quan điểm như vậy, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết hằng năm, Hội tham dự nhiều hoạt động văn hóa quốc tế nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người Việt. Ngoài ra, một năm, định kỳ, Hội cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống Việt Nam tại Hàn Quốc thu hút hàng ngàn người tham gia. Hội còn tổ chức các chương trình dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho trẻ em thế hệ thứ hai.

Đánh giá chung về những đóng góp của Kiều bào, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển rất mạnh về số lượng và cũng có nhiều nét đa dạng và phức tạp. Bởi vì bà con ra đi trong những hoàn cảnh khác nhau với những động cơ khác nhau. Tuy nhiên, nét chung nhất của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là người nào cũng đều gắn bó với quê hương, đất nước. Trong những năm qua, có những nơi tình hình phát triển rất phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và đặt bà con. Tuy nhiên, trên rất nhiều địa bàn, bà con vẫn phấn đấu vươn lên và càng ngày càng gắn bó với đồng bào trong nước.


Tạo cơ hội để Kiều bào chung sức xây dựng đất nước

Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa gần 1 nghìn Kiều bào Thái Lan về nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới bà con Kiều bào. Nhiều Nghị quyết, chính sách được ban hành, ngày càng phù hợp với tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của bà con. Bà Văn Dương Thành, Việt kiều ở Thụy Điển, cho rằng: Tôi nhận thấy nhiều chính sách mở rộng cho nhà kinh doanh, doanh nghiệp, trong khi đó yếu tố văn hóa, tinh thần, tiếp nối văn hóa Việt thì rất quan trọng. Bởi vậy những người làm văn hóa  mong muốn góp sức mình, kiến thức thu thập trong mấy chục năm qua  ở nước ngoài để như một giọt nước nhỏ đóng góp trong biển cả đất nước Việt Nam. Chúng tôi dạy học thiện nguyện, đào tạo lớp trẻ  để tiếp cận với các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài.


Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng sẽ làm nhiều công việc hơn nữa đáp ứng yêu cầu mong mỏi chính đáng của bà con. Cụ thể công tác vận động Kiều bào sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để bà con thêm gắn bó với quê hương và góp sức xây dựng đất nước. Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chăm lo đời sống văn hóa, văn hóa dân tộc, liên kết trong nước và ngoài nước rất quan trọng Chúng tôi xây dựng dự thảo Đề án chăm lo phát huy văn hóa dân tộc cho  cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và sẽ có dự án cấp Nhà nước chăm lo và phát huy văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi cũng tạo diễn đàn để phát huy đội ngũ trí thức. Trong chương trình công tác, chúng tôi thống nhất với Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ xây dựng Diễn đàn khoa học để người làm khoa học trong nước và Kiều bào có thể trình bày sáng kiến của mình đóng góp xây dựng đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đóng góp của kiều bào là không thể phủ nhận. Việc phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, là sợi dây gắn kết bà con với quê hương, đất nước./.

Feedback