Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Sri Lanka

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Chamal Rajapaksa bắt đầu thăm chính thức Việt Nam 6 ngày, từ hôm nay, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Sri Lanka không chỉ nhằm tăng cường hợp tác giữa cơ quan nghị viện hai nước, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Sri Lanka.
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Chamal Rajapaksa bắt đầu thăm chính thức Việt Nam 6 ngày, từ hôm nay, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Sri Lanka không chỉ nhằm tăng cường hợp tác giữa cơ quan nghị viện hai nước, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Sri Lanka.


Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Sri Lanka - ảnh 1

Quan hệ Việt Nam - Sri Lanka có nhiều điểm đặc biệt. Ít người biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng 3 lần đặt chân tới Sri Lanka vào các năm 1911, 1928 và 1946. Tại Thủ đô Colombo vẫn còn khách sạn mang tên New Colonial Hotel, nơi Hồ Chủ tịch đã nghỉ lại trên chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước. Nhân dân hai nước từ lâu đã đồng cảm và ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước. Thế hệ lãnh đạo hiện nay của Sri Lanka hầu hết đã từng xuống đường tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Từ trong phong trào đó, Hội đoàn kết Sri Lanka - Việt Nam được thành lập năm 1966. Đến nay Hội vẫn hoạt động rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Dù thế giới trải qua nhiều biến đổi, đến nay, quan hệ đoàn kết Việt Nam-Sri Lanka vẫn không hề thay đổi. Tình hữu nghị và đoàn kết thủy chung trong sáng đó chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hai nước phát triển bền vững trong những năm qua.


Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Sri Lanka - ảnh 2
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne và Đại sứ Tôn Sinh Thành tại Lễ khai trương Sứ quán VN tại Sri Lanka, tháng 10/2011

Với việc Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Colombo tháng 4/2011 và chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011, có thể nói đã đem đến luồng gió mới, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Vài năm trở lại đây, quan hệ hợp tác giữa hai bên có những bước phát triển trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…Hai bên phối hợp chặt chẽ trong Phong trào Không liên kết và trên các diễn đàn quốc tế khác. Là một trong những thành viên sáng lập Công ước Luật Biển, Sri Lanka luôn ủng hộ các nguyên tắc về bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Sri Lanka hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.


Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Sri Lanka còn khiêm tốn chủ yếu ảnh hưởng do cuộc xung đột tại Sri Lanka kéo dài gần 30 năm, đến tháng 5/2009 mới kết thúc. Nhưng giờ đây, bình yên đã thực sự trở lại với Sri Lanka, mở ra những cơ hội lớn cho quan hệ hợp tác mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam với hòn đảo xinh đẹp và đầy tiềm năng này. Liên tiếp 2 năm sau chiến tranh, kinh tế Sri Lanka tăng trưởng với tốc độ trên 8% /năm, đưa tổng GDP lên 59 tỷ USD. Sri Lanka có 20 triệu dân nhưng với thu nhập theo đầu người gần 3.000 USD/năm, thì sức tiêu thụ hàng hóa ở thị trường Sri Lanka là rất lớn. Thêm vào đó, có thể coi Sri Lanka là cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam đi vào khu vực Nam Á, thông qua việc khai thác các Hiệp định tự do hóa thương mại mà Sri Lanka đã ký với Ấn Độ và Pakistan, nhằm tranh thủ thị trường hơn 1,5 tỷ người, trong đó có khoảng 500 triệu dân trung lưu của khu vực này.


Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Sri Lanka - ảnh 3
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Sri Lanka nhằm mục đích tăng cường quan hệ, xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia

Sri Lanka cũng đang triển khai một chương trình tái thiết và phát triển kinh tế mạnh mẽ sau chiến tranh. Trong chính sách phát triển kinh tế của mình, Sri Lanka đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế với Việt Nam, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, chế tạo máy, thủy sản. Ngược lại, Sri Lanka cũng mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam, qua đó có thể mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn. Từ năm 2010 đến nay, đã có 2 đoàn doanh nghiệp lớn của Sri Lanka sang tìm hiểu thị trường, xúc tiến cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Sau 2 chuyến thăm đó, đã có nhiều dự án hợp tác cụ thể được ký kết trong các lĩnh vực dược phẩm, y tế, thủy hải sản, sản xuất chè, máy móc nông nghiệp, công nghệ thông tin… Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong những năm tới. Với hàng loạt văn kiện, thỏa thuận hợp tác đã ký như Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, phòng chống tội phạm, văn hóa, nông nghiệp, thủy sản, Bản ghi nhớ về Tham vấn chính trị song phương giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy, Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư hai chiều, Hiệp định về hợp tác giáo dục 2011-2015…, Việt Nam và Sri Lanka đang đứng trước cơ hội to lớn để mở rộng, tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, vì sự phồn vinh ở mỗi nước.


Quan hệ chính trị tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và một nước Sri Lanka hòa bình, ổn định và "cất cánh" sau chiến tranh đang là những điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tận dụng khai thác. Bởi vậy, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Quốc hội Chamal Rajapaksa chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội hợp tác to lớn hơn nữa. Không chỉ có cuộc hội đàm sâu rộng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Chamal Rajapaksa còn có dịp gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, đến thăm và làm việc với nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Chắc chắn, với quyết tâm của cả hai bên, quan hệ Việt Nam-Sri Lanka sẽ có bước chuyển quan trọng trong thời gian tới./.

Feedback