Không luận điệu nào có thể xuyên tạc sự thật về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo thực thi trong thực tế. 

Hôm 12/5/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020, trong đó cho rằng một số nhóm tôn giáo ở Việt Nam không được nhà nước công nhận, bị chính quyền sách nhiễu, phân biệt đối xử, bị can thiệp vào công việc nội bộ hoặc hạn chế đi lại.

Đây thực sự là nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Hiện thực sinh động về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam chính là sự đáp trả đanh thép những luận điệu xuyên tạc và vu cáo này.

Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phần liên quan đến Việt Nam tuy có một số nội dung đánh giá tích cực hơn năm 2019, song vẫn có nhiều thông tin sai lệch như đã nói ở trên, thể hiện cách tiếp cận phiến diện, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc này thực chất là lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.

   Không luận điệu nào có thể xuyên tạc      sự thật về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú thuộc xã Chư Á nằm cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) trở thành một điểm đến quen thuộc của hàng trăm bà con tín hữu dân tộc Jrai. Ảnh:  cand.com.vn

Trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo thực thi trong thực tế. Hàng năm, có tới hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước. Việt Nam có 53 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Tính đến nay, 80% trong số hơn 20.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, xây mới. Tại các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật. Nhiều tỉnh, thành phố giao đất với diện tích phù hợp cho các tổ chức tôn giáo, như: thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m² đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Thừa Thiên - Huế giao 20ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng; Thành phố Đà Nẵng giao 6.000 m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng; thành phố Hà Nội giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoảng 11ha đất để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội... Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ hoạt động tôn giáo. Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 6 ngàn xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc; 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có website riêng. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại Thành phố Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sỹ Phật giáo Nam Tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Jrai.

   Không luận điệu nào có thể xuyên tạc      sự thật về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 2Nghi thức thả hoa đăng và cầu nguyện những điều tốt lành nhân dịp lễ Phật đản 2019 tại chùa Pháp Hoa (quận 3, TP HCM). Ảnh: Hữu Thắng

Cùng với việc mở rộng sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng được tăng cường. Hàng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam. Điển hình như Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai; Tin lành kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2019 tại Việt Nam đã thu hút sự tham dự của 3.000 đại biểu, trong đó có 1.650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng ni sinh từ 40 quốc gia, trên dưới 20.000 lượt tăng ni, phật tử tham dự các hoạt động bên lề của đại lễ và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Cho đến nay, Việt Nam có khoảng 25,1 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số với 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo với 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo). Tính đến năm 2020, khu vực Tây Nguyên có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tại khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho gần 800 điểm nhóm… Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ, được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh, sách tôn giáo; nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô và hình thức sinh hoạt; tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế… Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước…

Rõ ràng là đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hết sức sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Thực tế sinh động về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam chính là sự đáp trả mạnh mẽ nhất những luận điệu xuyên tạc, vu cáo mang mục đích chính trị nhằm kêu gọi hoạt động chống phá chính phủ, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

.

Feedback