Không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh Covid-19

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau” được Việt Nam khẳng định khi lần đầu tiên đối mặt với đại dịch Covid-19 năm 2020. 

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, sao cho “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch này. Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, phương châm này tiếp tục được thực hiện nhằm bảo đảm quyền sống, quyền phát triển của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh Covid-19 - ảnh 1Nhiều y, bác sỹ phải làm việc xuyên đêm để chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: VOV

Phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau” được Việt Nam khẳng định khi lần đầu tiên đối mặt với đại dịch Covid-19 năm 2020. Từ đó đến nay, phương châm hành động này luôn được triển khai thực hiện ở mức cao nhất, có tính nguyên tắc, thông qua các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hành động của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và toàn thể nhân dân. Với bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, việc bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân được coi là một trong những phương cách đảm bảo nhân quyền trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong làn sóng dịch bệnh Covid -19 lần thứ tư, phương châm hành động “ không để ai bị bỏ lại phía sau” của Việt Nam càng được thể hiện rõ nét. Nhiều ngày qua, các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, lãnh đạo ban, ngành liên quan, đã trực tiếp có mặt tại nhiều “điểm nóng” để kiểm tra, thị sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19, qua đó kịp thời phối hợp tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch quyết liệt và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng dành nhiều thời gian đến vùng “tâm dịch” ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Ðồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… đồng thời ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội. Trong số đó phải kể đến Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” giúp tháo gỡ một số thủ tục hành chính, bảo đảm người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 “Về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19” và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 “Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19, huy động mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đồng hành cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh.

Ngay từ khi đại dịch xảy ra, dự báo trước mối nguy hiểm, với tầm nhìn xa và tìm giải pháp, căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Theo đó sẽ tập trung vào các nội dung chính là nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển trong nước để chủ động tiêm vaccine cho nhân dân. Việt Nam đã triển khai “Chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” lớn nhất trong lịch sử y tế nước nhà với 18.000 điểm tiêm trên cả nước. Kinh phí cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này được bảo đảm bởi ngân sách, Quỹ vaccine phòng Covid-19, các nguồn viện trợ. Ðó cũng là cơ sở để nhiều triệu người Việt Nam được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm tiến tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo đảm sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của mọi người dân trước đại dịch.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh Covid-19 - ảnh 2Bộ đội, công an và chính quyền các địa phương đang khẩn trương đưa hàng hóa thiết yếu hỗ trợ các khu trọ, xóm công nhân nghèo. Ảnh: VOV

Từ việc xác định sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, mọi “điểm nóng” về dịch bệnh đã được quan tâm ở mức cao nhất. Chính quyền các cấp và toàn thể hệ thống chính trị, một mặt khẩn trương cung cấp vaccine và tổ chức tiêm phòng, tập trung chữa trị, điều tra, truy vết, khoanh vùng, xây dựng khu cách ly, bệnh viện dã chiến, huy động nhân lực hỗ trợ từ ngành chức năng, từ các địa phương,… cùng nỗ lực dập dịch, mặt khác huy động mọi nguồn lực để bảo đảm an toàn an sinh xã hội. Ðặc biệt, Nghị quyết số 68/NQ-CP với việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng hỗ trợ,… chú trọng các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương đã thể hiện rất rõ tính nhân văn trong chính sách xã hội và phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ðây vừa là giải pháp hỗ trợ rất cần thiết ở thời điểm hiện tại, vừa tạo điều kiện giúp người lao động, người sử dụng lao động tăng cường khả năng trụ vững và vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tiếp tục lao động, sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, chính quyền các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cùng nhiều tỉnh cũng trích ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng vì đại dịch. Chính quyền không chỉ hỗ trợ, mà còn nỗ lực điều phối lương thực, thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt,… bảo đảm ổn định cuộc sống hằng ngày của nhân dân ở các khu vực cách ly, nơi hoạt động sản xuất tạm thời ngưng trệ.

Cùng với nỗ lực chống dịch Covid-19, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết sức nỗ lực để ổn định, tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn 9,3%, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng hơn 28,2% so cùng kỳ năm trước. Lường trước khó khăn từ dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã chủ động sớm kết nối xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin để phân tích, đánh giá, dự báo, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, ứng phó kịp thời để hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Xét từ nhu cầu từng cá nhân trong thời điểm dịch bệnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương có thể chưa hoàn toàn như kỳ vọng của từng người, nhưng đánh giá trên diện rộng, có thể thấy đây là nỗ lực rất lớn của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Cho dù trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, đang gặp rất nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn quyết liệt thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”  khi triển khai “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Việc thực hiện mục tiêu kép chính là biểu hiện sinh động nhất về việc Việt Nam đã và đang nỗ lực bảo đảm nhân quyền trong bối cảnh dịch bệnh.

Feedback