Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đà phát triển

Vân Long
Chia sẻ
(VOV5) -Thành quả phát triển kinh tế, xã hội 2 tháng đầu năm cho thấy Việt Nam đã tạo được động lực mới, sự cộng hưởng mới để thúc đẩy đà phát triển trong những tháng tiếp theo. 

Trong bối cảnh đó, nhiều bộ, ngành cũng tiếp tục triển khai các giải pháp khơi thông nguồn lực, phát huy những lợi thế để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Ở trong nước, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn…

Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đà phát triển  - ảnh 1Ảnh: VTV

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế

Cung ứng vốn cho nền kinh tế là yếu tố quan trọng để kinh tế phát triển. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự chủ động và đưa ra những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng. Cụ thể, ngay từ đầu năm đã giao 15% hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng.  Cùng với đó, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước một mặt đổi mới cơ chế điều hành, chỉ đạo hoạt động tín dụng, đổi mới phân bổ chỉ tiêu, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các Ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn nợ, lãi vay, cho các doanh nghiệp đang khó khăn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài chính sách này đến thời điểm phù hợp."

Trước đó, ngay từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường áp dụng chuyển đổi số vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.

Khơi thông các nguồn lực, phát huy những lợi thế sẵn có

Hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tăng về lượng mà giá nhiều loại nông sản đang ở ngưỡng cao, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xuất khẩu mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng đến trong năm nay, đạt từ 54  - 55 tỷ USD. Để  duy trì đà tăng trưởng cũng như giá trị nông sản xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng.

Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đà phát triển  - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: VOV 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: "Việt Nam sẽ tập trung mở thêm các thị trường xuất khẩu đối với gia cầm và thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Tập đoàn De Heus của Hà Lan xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal (thị trường thực phẩm giành cho người Hồi giáo, với 2,2 tỷ người dân). Đối với thủy sản, Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Thủy sản tập trung phát triển thị trường này. Mở cửa thị trường và xúc tiến thương mại có hiệu quả, nhưng cũng cần mở rộng thêm những thị trường mới mang tính đặc thù, để sản phẩm nông sản đi được nhiều phân khúc thị trường, với doanh thu cao hơn."

Trong khi đó, tiếp đà phục hồi hoạt động du lịch mạnh mẽ từ năm ngoái, năm nay, ngành du lịch đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn nữa, phải chạm được vào các thị trường lớn, đặc biệt là các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian gần đây việc các quy hoạch tỉnh, vùng, quốc gia đang được đồng loạt công bố, định hướng rõ ràng đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, từng bước khắc phục câu chuyện liên kết vùng đang là điểm yếu của ngành du lịch trong thời gian qua. Cùng với đó là những cải thiện rất mạnh mẽ về hạ tầng: "Để phát huy mạnh đà tăng trưởng cho năm nay, chúng tôi chú trọng khắc phục các yếu tố về nhân lực, chất lượng dịch vụ, hạ tầng dịch vụ; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Các nỗ lực xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn để du lịch Việt Nam phải chạm được vào các thị trường lớn, đặc biệt là các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi chinh phục thị trường mới Mỹ, Ấn Độ."

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì việc các bộ, ngành chủ động, tìm cách phát huy các thế mạnh sẽ là hướng đi phù hợp để Việt Nam có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong năm nay.

Feedback