Khẳng định vai trò Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác với Cộng hòa Pháp

Ánh Huyền -Anh Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác giữa hai nước cả về lượng và về chất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hôm nay bắt đầu tới Pháp, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Chuyến công tác nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, thúc đẩy hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. 

 Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Francophonie và cũng là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm.

Khẳng định vai trò Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác với Cộng hòa Pháp - ảnh 1Bộ trưởng Tư pháp Pháp Didier Migaud, Phó Tỉnh trưởng Yves Bossuyt, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Orly ở thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN

Cầu nối thúc đẩy quan hệ cộng đồng Pháp ngữ với khu vực

Thời gian qua, quan hệ hợp tác của Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của cộng đồng Pháp ngữ với những cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những hoạt động thiết thực. Việt Nam luôn tham gia tích cực và thực chất trên các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ, từ xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa cho tới gìn giữ hòa bình, an ninh ổn định tại các khu vực.

Đặc biệt, việc giảng dạy tiếng Pháp được phát triển hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam. Cộng đồng Pháp ngữ coi trọng vai trò và luôn lấy Việt Nam làm trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 

Nguyên Giám đốc Văn phòng Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội, bà Vanissa Barrak, từng khẳng định: "Tại Việt Nam, tiếng Pháp phát triển và ứng dụng khá tốt. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ quan tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với những ưu tiên, trong đó có ưu tiên phát triển tiếng Pháp, với mục tiêu lâu dài là thông qua tiếng Pháp, ngoài việc mở rộng hợp tác, trao đổi, giao lưu về văn hóa, giáo dục, còn thúc đẩy hợp tác về kinh tế và các lĩnh vực khác với Việt Nam cũng như khu vực này."

Khẳng định vai trò Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác với Cộng hòa Pháp - ảnh 2Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Orly ở thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đó, việc lần đầu tiên Việt Nam tham dự một Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ ở cấp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) và các nước thành viên. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc gặp gỡ song phương cấp cao giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các nguyên thủ thành viên Pháp ngữ, Việt Nam có cơ hội làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước thành viên Pháp ngữ.

Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiến hành thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Pháp và Việt Nam có quan hệ lâu đời được tạo nên bởi sự tin tưởng ngày càng cao; hai nước đang quyết tâm rất lớn trong tăng cường quan hệ. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đứng đầu về viện trợ ODA cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt gần 3 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024.

Chuyến thăm khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm của hai nước trong tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược, trong bối cảnh năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết: "Hai nước sẽ cùng nhau xác định những định hướng lớn, tạo những khuôn khổ và mở ra chương mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và nâng cấp các cơ chế hợp tác song phương, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại và đầu tư, với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghệ cao, chuyển giao công nghệ là những lĩnh vực sẽ được đặc biệt chú trọng. Hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng không vũ trụ, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ sản xuất hydrogen xanh, du lịch xanh, kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững.

Khẳng định vai trò Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác với Cộng hòa Pháp - ảnh 3Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.  Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác giữa hai nước cả về lượng và về chất, nhất là khi cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình và hợp tác.

Quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực sẽ tạo động lực mới để nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên. Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, an ninh và ổn định.

Những khuôn khổ hợp tác và xung lực mới mà Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ thống nhất nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ Việt Nam - Pháp sẽ có thêm khuôn khổ mới và nhiều thành tố quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và các kênh.

Feedback