Khẳng định quyết tâm chỉ đạo điều hành phát triển đất nước

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam có niềm tin mạnh mẽ về sự tiến bước của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách. 

Chính phủ Việt Nam khẳng định quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, cho dù dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS - COV - 2 gây ra đang có những tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam và các đối tác thương mại của Việt Nam. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều kiến nghị được triển khai nhằm ứng phó linh  hoạt với tình hình thực tế. Những diễn biến này cho thấy Việt Nam không chỉ phản ứng nhanh để chống dịch Covid – 19 mà còn đang phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp những tác hại do dịch bệnh.

Khẳng định quyết tâm chỉ đạo điều hành phát triển đất nước - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn Tạp chí Tài chính

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu khiến các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó có nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị tác động.

Chỉ đạo nhất quán

Trong những phiên họp điều hành kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định Việt Nam không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020. Ngay trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 (ngày 05/02), Thủ tướng bày tỏ rằng Việt Nam có niềm tin mạnh mẽ về sự tiến bước của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. Các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần bàn tiến không bàn lùi.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân".

Tiếp đó, chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, ngày 25/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng, mong muốn các thành viên hội đồng đề xuất liều vaccin chống sụt giảm kinh tế. Nhấn mạnh, không bi quan nhưng không chủ quan, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất kinh doanh đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Hàng hóa sản xuất dồi dào, cơ chế lưu thông thông thoáng, thị trường sôi động hơn, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, coi trọng xuất khẩu, đẩy mạnh nội nhu, đặc biệt là đầu tư công và đầu tư xã hội. Năm nay FDI vào rất lớn. Cần phát động một niềm tin thị trường để nhà đầu tư trong nước thúc đẩy đầu tư".

Những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng chính là sự triển khai nhất quán chỉ đạo của Tổng bí  thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội, ngày 30/12/2019. Tại đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng các ngành, các cấp phải quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Biến nguy cơ thành cơ hội

Đồng tình với sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cũng như sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều phương án linh hoạt để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Bộ Công Thương liên tục cập nhật và đánh giá tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, đẩy mạnh dịch vụ và logistic phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc về hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công…Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, đặc biệt là phát triển các thị trường mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Bộ NN&PTNT thống nhất tập trung tiêu thụ nông sản tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương hướng đến giải pháp chế biến sâu hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường".

Chính phủ Việt Nam xác định dịch Covid -19 trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Cùng với việc không chủ quan trong phòng, chống dịch, Chính phủ Việt Nam đang đặc biệt quan tâm chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn, phấn đấu quyết liệt để đạt mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 đã phê duyệt.

Feedback