Hợp tác vì một biển Đông hòa bình và ổn định

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 4 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

(VOV5) - Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 4 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu nhất quán là thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông, về lợi ích của các bên liên quan, về những tranh chấp xảy ra trên Biển Đông thời gian gần đây, Hội thảo nhằm giúp công chúng sáng tỏ hơn bản chất của các vấn đề liên quan đến biển Đông, đề xuất những kiến nghị cho Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác. Với Việt Nam, thông qua kênh ngoại giao “học giả” này, Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực của mình là kiên trì giải quyết các xung đột tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.


Hợp tác vì một biển Đông hòa bình và ổn định - ảnh 1
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Hoàng Anh Tuấn/Vietnam+)

Tiếp nối kết quả của 3 lần hội thảo trước, lần đầu tiên là vào năm 2009, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần này tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của giới học giả trong và ngoài nước. Gần 200 đại biểu, trong đó khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ, gần 30 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam, tham dự Hội thảo lần này.


Không khó để lý giải thời gian gần đây, các cuộc hội thảo về Biển Đông luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Sự quan tâm ngày càng gia tăng là bởi biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho rằng: “Vấn đề biển Đông là vấn đề quốc tế vì biển Đông là con đường trên biển nối liền hai đại dương , nằm ở trung tâm vùng châu Á- Thái Bình Dương rất sôi động về mặt kinh tế. Đây là biển chung của tất cả các nước xung quanh biển Đông. Từ bao đời nay, ngư dân các nước đã hoạt động ở đây. Vùng biển này cũng thuộc về quyền lợi của nhiều nước, như quyền tự do hàng hải, tự do bay. Do đó, không chỉ các nước xung quanh biển Đông có lợi ích mà các nước khác cũng có lợi ích”.


Chính bởi sự giàu có và vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu của mình, nên Biển Đông đã trở thành một trong những vùng biển thường xảy ra các cuộc tranh chấp. Những tranh chấp và va chạm trên vùng biển này gần đây lại có xu hướng gia tăng tỷ lệ thuận với sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế và quân sự của một số cường quốc liên quan. Góp phần vào nỗ lực chung giảm thiểu xung đột trên biển Đông thời gian qua là các nghiên cứu, công bố của các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử, pháp luật quốc tế. Thông qua các kết quả nghiên cứu này, công luận có thể hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thẳng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi họ ra quyết định liên quan đến Biển Đông. Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý nhận định: “Các vấn đề thảo luận, các đánh giá và kiến nghị ngày càng thiết thực đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển ở biển Đông. Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần quan trọng đưa biển Đông trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Bản chất của tranh chấp biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra trên biển Đông được phân tích, đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn”.


Diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ra đời, 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC) được ký kết và mới đây ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc xúc tiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông nhằm mục tiêu đề xuất các kênh, các phương cách để các nghiên cứu học thuật, các trao đổi học thuật tác động tích cực hơn tới công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong các quyết sách tăng cường hợp tác cùng có lợi trên Biển Đông. Với Việt Nam, diễn đàn này còn là dịp để Việt Nam cung cấp những luận cứ và chứng cứ lịch sử về chủ quyền của dân tộc, để cộng đồng trong nước và quốc tế có niềm tin vững chắc vào lẽ phải. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật biển và hàng hải quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Tôi nghĩ đây là cách rất tốt để cho người dân chúng ta cũng như cộng đồng quốc tế biết về lẽ phải, chân lý, chính nghĩa của mình và ngay cả để cho các bạn Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc hiểu được điều đó. Từng bước chúng ta công bố công khai những bằng chứng, chứng cứ để khẳng định chủ quyền của mình”.


Để giảm thiểu những xung đột do tranh chấp chủ quyền trên biển một cách hiệu quả thì một trong những cách tốt là phải minh bạch thông tin. Những nghiên cứu lịch sử, phân tích, đánh giá được soi xét dưới góc độ pháp lý và khoa học sẽ là những tiếng nói hữu ích, giúp giải quyết các bất đồng. Đây không phải là làm phức tạp hóa vấn đề mà đó là xu thế tất yếu trong một thế giới toàn cầu hóa. Nỗ lực của Việt Nam qua 4 lần tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông cũng là nhằm mục tiêu đó./.  

Feedback