Hội nghị Mekong-Lan Thương lần thứ 3 diễn ra ngày 24/8 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 6 nước ven sông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Hội nghị lần này đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương, đưa ra nhiều định hướng quan trọng cho hợp tác khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNCC MLC lần thứ ba. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) với sự tham gia của sáu nước ven sông là ý tưởng được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong, cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) đang nổi lên với nhiều lợi thế và những kỳ vọng lớn. Đây là cơ chế có sự tham gia của đủ 6 quốc gia ven dòng sông Mekong – Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc; có nội dung hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực.
Bối cảnh chung – thách thức chung
Hội nghị MLC lần thứ 3 là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao 6 nước cùng trao đổi về những vấn đề lớn của khu vực và thống nhất phương hướng, biện pháp giải quyết các thách thức chung.
Sau khi rà soát lại toàn bộ quá trình hợp tác Mekong-Lan Thương từ khi thành lập đến nay đặc biệt là thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác MLC 2018-2022, các nhà Lãnh đạo đều đánh giá cao việc triển khai ba trụ cột chính là hợp tác về chính trị hợp tác về kinh tế và phát triển bền vững và hợp tác về giao lưu văn hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương, mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên cũng như người dân và doanh nghiệp. Về những kết quả nổi bật của Hội nghị,
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Các nhà Lãnh đạo rà soát lại toàn bộ hợp tác trong khuôn khổ quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương tài trợ cho các dự án khu vực với nguồn lực khoảng 300 triệu USD. Thời gian qua, nhiều dự án hợp tác được triển khai. Hội nghị cũng định hướng hợp tác thời gian tới, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên trong đó có quản lý nguồn nước, hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản các nước Mekong sang Trung Quốc, hợp tác giáo dục đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực cho khu vực sông Mekong và tăng cường giao lưu về du lịch…
Cùng với đó, các nước thành viên sẽ tăng cường hợp tác y tế để ứng phó với đại dịch Covid-19; Bảo đảm sự ổn định cho hoạt động sản xuất và các chuỗi cung ứng khu vực, duy trì đà tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu SDGs 2030; Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nguồn lực chuyển đổi nguồn nhân lực cho khu vực Mekong.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về hợp tác quản lý nguồn nước Mekong. Các nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông trong năm 2019 – 2020 và thống nhất cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong.
Việt Nam tích cực đóng góp cho hợp tác Mekong-Lan Thương
Với chủ trương luôn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp hiệu quả cho hợp tác Mekong – Lan Thương ngay từ những ngày đầu thành lập. Và tại Hội nghị lần này, các Bộ, ngành của Việt Nam cũng tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo văn kiện trên tinh thần xây dựng, hợp tác vì lợi ích chung của cả khu vực. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết:Hai đề xuất lớn của Thủ tướng lần này là đề xuất về hợp tác ứng phó với đại dịch Covid và tăng cường hợp tác trung tâm nghiên cứu thủy văn và chia sẻ dữ liệu xây dựng thủy điện, qua đó hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Và những đề xuất này được các nhà lãnh đạo Mekong đánh giá rất cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên thảo luận về những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực và các giải pháp cần thiết.
Có thể khẳng định, MLC đang đóng một vai trò tích cực hơn không chỉ trong trong quản lý nguồn nước mà còn trong các lĩnh vực hợp tác khác. Duy trì đà hợp tác luôn là thách thức đối với các cơ chế đa phương, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các thành viên và hợp tác MLC cũng vậy. Việt Nam luôn khẳng định hợp tác MLC cần chú trọng hợp tác thực chất, tạo ra những chuyển biến tích cực trong những vấn đề cốt lõi của tiểu vùng, nhất là vấn đề an ninh nguồn nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân bằng tại mỗi nước thành viên.