Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” sẽ diễn ra ngày mai (26/3) tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Gần 44 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh và 25 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam và sự kiện lần này thêm một lần nữa khẳng định nỗ lực từ hai phía nhằm xây dựng lòng tin, tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa - TTXVN
|
Việt Nam và Hoa Kỳ từng trải qua một cuộc chiến tranh với những hậu quả nặng nề. Hàng triệu người đã đổ máu và ngã xuống. Đó là cái giá rất đắt, mất mát rất lớn mà nhiều gia đình hai nước phải gánh chịu, đặc biệt di chứng chiến tranh còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao đến nay, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh như tìm kiếm quân nhân bị mất tích, rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin…, được coi là một ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.
Điểm sáng cho mối quan hệ từ cựu thù thành bạn hữu
Kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, đã có khoảng hơn 700 bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích được phía Việt Nam trao trả cho Hoa Kỳ. Ngược lại, Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức cựu chiến binh, cũng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích. Đây là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng của hai nước trong nỗ lực không mệt mỏi nhằm hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh và góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước. Đây cũng là điểm sáng và sự khởi đầu tốt đẹp trong quá trình hai nước từ “cựu thù” đến đối tác toàn diện như hiện nay.
Tại thủ đô Washington DC mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã trao một đĩa DVD phim tài liệu kể về quá trình tìm kiếm hài cốt của một quân nhân Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam. Chiếc đĩa DVD được trao cho bà Ann Griffiths, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các gia đình của tù binh và người mất tích Hoa Kỳ. Bà cũng chính là người có anh trai chết trong chiến tranh Việt Nam. Bà Griffths cho biết: "Tôi thực sự cảm động và vui mừng khi hài cốt của anh trai bà đã được tìm thấy sau 24 năm tìm kiếm. Mặc dù còn một tia hy vọng nhưng gia đình và bố mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra. Tôi đã rất ngạc nhiên và hạnh phúc sau khi nhận được tin này. Cảm giác đó thật tuyệt, đặc biệt là khi biết chuyện gì đã thực sự xảy ra với anh tôi, anh tôi đã hy sinh ngày 21/09/1966. Tôi nghĩ rằng đây là cảm giác chung của các gia đình người Mỹ có thân nhân bị mất tích, họ muốn biết điều gì đã thực sự diễn ra và không muốn lúc nào cũng trong tình trạng mong đợi. Đây chính là minh chứng đối với thế giới rằng từ hai cựu thù, Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau và đưa quan hệ song phương tới mức phát triển như hiện nay".
Tâm trạng xúc động của bà Ann Griffiths cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình Hoa Kỳ có người thân được “trở về” nhờ sự hợp tác và chính sách nhân đạo của Việt Nam. Bởi để có những kết quả này cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định trong hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc. Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ: "Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá cao về sự hợp tác của chúng ta với Hoa Kỳ về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Có thể nói đây là một lĩnh vực hợp tác mà chúng ta rất là tự hào. Chúng ta làm vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm và cũng vì xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ".
Viết tiếp trang sử tương lai Việt Nam-Hoa Kỳ
Khắc phục hậu quả chiến tranh là một nội dung trọng tâm trong hợp tác quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay. Thời gian qua, ngoài những nỗ lực tìm kiếm quân nhân mất tích, hai bên đã hoàn thành tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng và bắt đầu triển khai tẩy độc sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều thống nhất quan điểm cho rằng đây là một nội dung hợp tác đem lại lợi ích cho cả hai phía cùng với những ưu tiên khác như thương mại, hợp tác an ninh, những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu... Bởi đây không chỉ là vấn đề khắc phục hậu quả của quá khứ mà còn tạo nền tảng lòng tin cho tương lai hợp tác giữa hai bên.
Trong các chuyến thăm, tiếp xúc song phương, các lãnh đạo Hoa Kỳ đều đề cập đến vấn đề này và khẳng định tiếp tục hợp tác và thực hiện những cam kết của mình để giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” diễn ra ngày mai (26/3) tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ là một bước tiếp theo nhằm xây dựng lòng tin, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang trên đà phát triển.