Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận chung khóa 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 29/9 có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: "Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững". Cùng với việc khẳng định hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi cộng đồng thế giới tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung khóa 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
|
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định trong 3/4 thế kỷ qua, chủ nghĩa đa phương, với trung tâm là Liên Hiệp Quốc, đã thực sự khẳng định vai trò tất yếu và không thể thiếu của mình. Các thể chế đa phương đã tạo ra cơ chế thảo luận, hoạch định chính sách chung cho các quốc gia trên các vấn đề quản trị toàn cầu. Các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, còn là nơi hình thành ý tưởng, xây dựng tiêu chuẩn và chiến lược nhằm điều phối nỗ lực của các quốc gia ứng phó với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, xử lý các thách thức toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việt Nam coi trọng hợp tác đa phương
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam gắn liền với sự tham gia của Việt Nam vào các thể chế đa phương khu vực và quốc tế. Liên hợp quốc và các thể chế đa phương cũng là những diễn đàn chính trị, khuôn khổ pháp lý quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp xây dựng, trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Cùng với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tăng cường phát triển, thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương.Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, những nhà ngoại giao, các chuyên gia Việt Nam tham gia đóng góp xây dựng các nghị trình và chính sách của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, về biển và đại dương, về phát triển xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và đặc biệt là đã có những bước đi cụ thể tiến tới chấm dứt việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.
Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và quan điểm của Việt Nam
Trước những thách thức to lớn hiện nay đối với chủ nghĩa đa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra rằng cộng đồng thế giới cần cùng nhau tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hoạt động của Liên hợp quốc. Theo đó, cần tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác đa phương. Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế.
Thêm nữa, thế giới cần tăng cường kết nối giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam hoan nghênh hợp tác, phối hợp giữa Liên hợp quốc, nhất là Hội đồng Bảo an, với Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ả-rập trong nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh ở châu Phi, Trung Đông. Ở khu vực Đông Nam Á, trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên tăng cường sự phối hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực để cùng đóng góp vào nỗ lực chung ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng các nỗ lực đa phương cần coi con người là trung tâm. Theo đó, Việt Nam lên án các hành động tấn công dân thường cũng như những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của người dân. Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phụ nữ, hoà bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang. Việt Nam cũng ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực tái thiết hậu xung đột, nhất là khắc phục hậu quả bom mìn, phục vụ người dân và quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các quốc gia.
Việt Nam cũng hoan nghênh những nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc để tăng cường phối hợp và hiệu quả hoạt động và tăng cường tính làm chủ của mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác, huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng người dân. Và cuối cùng, cam kết chính trị mạnh mẽ của mỗi chính phủ, mỗi nhà lãnh đạo có ý nghĩa then chốt đối với mọi nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, chỉ có như vậy cộng đồng quốc tế mới có thể viết nên một trang mới trong lịch sử nhân loại với những đường nét tươi sáng hơn, những đường nét của đối thoại và hợp tác, và trên hết là của hòa bình và phát triển bền vững.