Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi và những sứ mệnh đầy thách thức

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Sứ mệnh đặt ra cho Hội nghị là cực kỳ nặng nề, thậm chí bị coi là quá sức, bất kể đó là về phát triển kinh tế, cải cách chính trị hay ngăn chặn xung đột vũ trang.

Với chủ đề “Ngưng tiếng súng’’, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 33 khai mạc ngày 9/2 tại Addis Ababa (Ethiopia) đặt kỳ vọng xây dựng các biện pháp giải quyết một loạt các điểm nóng xung đột cũng như các vấn đề nổi cộm của châu lục. Tuy nhiên, thực tế lịch sử và bối cảnh hiện nay cho thấy các sứ mệnh của AU đang đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng, khả năng thành công rất hạn chế.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi và những sứ mệnh đầy thách thức - ảnh 1 Các thành viên Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 33. - Nguồn: Reuters

“Ngưng tiếng súng’’ là chủ đề lấy cảm hứng từ các cam kết của các lãnh đạo châu Phi về chấm dứt xung đột vũ trang và ngăn chặn nạn diệt chủng tái phát, đồng thời phản ánh thực trạng xung đột vũ trang nghiêm trọng hiện nay tại châu lục.

Thể hiện tinh thần này, trong bài phát biểu ngay sau lễ nhậm chức Chủ tịch AU chiều 9/2, Tổng thống Nam Phi Ciryl Ramaphosa đã nêu bật các ưu tiên của AU trong năm 2020 bao gồm việc tăng cường đoàn kết châu lục, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đảm bảo song hành giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, các biện pháp giải quyết xung đột và nâng cao vai trò của châu Phi trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới.

Đặc biệt, tân Chủ tịch AU cam kết sẽ nỗ lực ngăn chặn các xung đột vẫn đang diễn ra tại Libya, khu vực Sahel và Tây Sahara – một trong vùng lãnh thổ gây chia rẽ về chính trị nhất tại châu Phi. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các sứ mệnh của AU, nhất là nhiệm vụ chấm dứt xung đột vũ trang, đang phải đối mặt những thách thức rất lớn.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi và những sứ mệnh đầy thách thức - ảnh 2 Hàng trước, từ trái sang, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại hội nghị thượng đỉnh AU ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia ngày 9/2/2020. - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngăn chặn xung đột: nhiệm vụ bất khả thi

Năm 2013, trong tuyên bố kỷ niệm 50 năm thành lập Liên minh châu Phi, các lãnh đạo AU đã thống nhất đưa ra cam kết "chấm dứt tất cả các cuộc chiến ở Châu Phi vào năm 2020". Thế nhưng, trong 7 năm qua, xung đột mới chỉ được phần nào ngăn chặn tại Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Hơn thế, bạo lực và xung đột vũ trang còn tái bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nơi như Libya, Nam Sudan, Mozambique…

Ngay tại hội nghị, nhiều nhà quan sát đã thẳng thắn kết luận: AU đã thất bại trong các cam kết được đưa ra năm 2013. Ở thời điểm hiện tại, châu Phi đang chứng kiến không dưới 20 cuộc xung đột vũ trang với các quy mô khác nhau, gấp khoảng 3 lần so với thời điểm năm 2005. Trong đó, một số cuộc xung đột có sự can dự của nhiều bên quốc tế và có bối cảnh cực kỳ phức tạp, khả năng đạt được giải pháp được đánh giá là rất khó khăn, điển hình là cuộc khủng hoảng Libya.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn lực hạn chế cũng được coi là một trở ngại lớn với châu Phi, châu lục nghèo nhất hành tinh, trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột và bình ổn tình hình an ninh. Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau, sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng quốc tế dành cho các cuộc xung đột tại châu Phi vẫn chưa đủ mạnh để cải thiện tình hình.

Với thực tế này, sứ mệnh ngăn chặn và chấm dứt xung đột tại châu Phi vẫn được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” với AU trong tương lai gần.    

Thách thức phát triển 

Là hệ quả tất yếu của bất ổn chính trị và xung đột vũ trang, vấn đề phát triển của châu Phi cũng đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng.

Thực tế, từ nhiều thập niên qua, châu Phi luôn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất, máy móc công nghiệp và thiết bị vận tải, trong khi ¾ lượng xuất khẩu tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguyên liệu thô. Chỉ cần nhìn qua cơ cấu thương mại này cũng đủ thấy vị thế kinh tế của AU ở đâu trên bản đồ kinh tế cũng như triển vọng cải thiện nó.

Ngoài ra, những thách thức phát triển của châu Phi còn phải kể đến những hạn chế về mặt chính sách và đặc biệt là vấn nạn tham nhũng. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh AU, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres đã thẳng thắn chỉ rõ: nạn tham nhũng là nguyên nhân quan trọng nhất làm cạn kiệt các nguồn lực giúp cho châu Phi phát triển.    

Theo giới phân tích, với bối cảnh và thực trạng hiện tại, sứ mệnh đặt ra cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 33 là cực kỳ nặng nề, thậm chí bị coi là quá sức, bất kể đó là về phát triển kinh tế, cải cách chính trị hay ngăn chặn xung đột vũ trang.

Feedback