Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu – COP28 chính thức khai mạc ngày 30/11 tại Dubai (UAE). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, đồng thời đối mặt với các thách thức to lớn trong việc thực hiện các cam kết khí hậu đã đưa ra trước đó.
Hội nghị khí hậu COP28 khai mạc ngày 30/11/2023 tại Dubai, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ảnh: REUTERS |
Thế giới năm nay tiếp tục chứng kiến các tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), công bố ngay trong ngày khai mạc COP28 (30/11), nhiệt độ trung bình Trái đất năm nay đã cao hơn 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khiến năm nay trở thành năm nóng nhất kể từ năm 1850.
Tác động gia tăng của biến đổi khí hậu
Với việc nhiệt độ trái đất tăng cao kỷ lục, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn tại tất cả các châu lục. Hạn hán lịch sử đã diễn ra ở châu Âu, Nam Mỹ trong khi lũ lụt tàn phá nhiều quốc gia ở Nam Á, châu Phi. Nhiệt độ tăng cao cũng khiến cháy rừng diễn ra khốc liệt hơn ở Mỹ, Canada, Nam Âu và đẩy nhanh quá trình tan băng trên thế giới. Tại Nepal, hơn 1/3 lượng băng trên dãy núi Himalaya tại quốc gia này đã biến mất trong 3 thập kỷ qua; tại Thụy Sỹ các sông băng mất 10% lượng băng chỉ trong 2 năm.
Đáng lo ngại hơn là tại Nam Cực, lượng biển băng mất đi đến cuối năm nay lên tới 1 triệu km2, tức lớn hơn diện tích hai nước Pháp, Đức cộng lại. Ngay đầu tuần này, lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ, núi băng lớn nhất thế giới nằm ở Nam Cực mang tên A23a, có diện tích lên tới 4.000 km2, đã dịch chuyển về phía các Đại dương. Theo Tổng thống Mỹ, Joe Biden, biến đổi khí hậu là thực tế không thể chối cãi và đang tạo ra mối đe dọa sống còn với nhân loại: “Các bằng chứng đều đã rõ ràng. Biến đổi khí hậu tạo ra nguy cơ sống còn với đời sống và nền kinh tế của chúng ta. Mối đe dọa đang hiện hữu và không có dấu hiệu cải thiện. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có tệ hơn không? Chúng ta có thể ngăn nó tệ hơn nhưng như thế thì cần phải lắng nghe các nhà khoa học, các nhà kinh tế. Tất cả họ đều nói rằng tình hình đã báo động đỏ, nước Mỹ và thế giới đang gặp hiểm nguy”.
Theo các báo cáo được LHQ công bố đồng loạt trước thềm COP28, nguyên nhân sâu xa của thực trạng biến đổi khí hậu báo động hiện nay là việc thế giới vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong báo cáo “Khe hổng khí thải”, công bố hôm 19/11, Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng năm nay vẫn cao hơn 1,2% so với năm ngoái và đến năm 2030, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ cao hơn 22 gigaton (1 gigaton = 1 tỷ tấn) so với mức giới hạn để Trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C. Với tốc độ đó, đến cuối thế kỷ này Trái đất sẽ nóng hơn gần 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trở lại với vấn đề cốt lõi
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, Hội nghị COP28 đã bắt đầu bằng một tin tức lạc quan ngay trong ngày họp đầu tiên, khi các bên đạt thỏa thuận chính thức khởi động “Quỹ tổn thất và thiệt hại”, nhằm bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, với đóng góp ban đầu là hơn 500 triệu USD. Quỹ này dự kiến sẽ thu được hàng tỷ USD đóng góp mỗi năm, qua đó trợ giúp tài chính cho các nước nghèo khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như nỗ lực cắt giảm khí thải.
Dù còn gây tranh cãi về quy mô đóng góp nhưng việc thông qua “Quỹ tổn thất và thiệt hại” ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị COP28 là một thành công đáng chú ý, giúp các bên tạm gạt được các tranh cãi về huy động tài chính, dành nguồn lực tập trung thảo luận, đàm phán hai vấn đề cốt lõi và gai góc hơn rất nhiều, là xây dựng lộ trình cụ thể loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên, và đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các loại hình năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các chuyên gia, tại các Hội nghị COP diễn ra trong vài năm qua, nhiều bên đã cố tình né tránh đề cập vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng các số liệu khoa học hiện nay cho thấy thế giới không còn lựa chọn nào khác là giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nếu muốn duy trì mục tiêu giữ Trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ, như cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Cụ thể, theo LHQ, muốn giữ mục tiêu này trong tầm với, thế giới phải cắt giảm 43% lượng khí thải từ nay đến 2030, đồng nghĩa với việc đòi hỏi các nước phải nâng cao tham vọng và đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết cắt giảm trước đó. Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, nhấn mạnh: “Các lãnh đạo thế giới phải hành động để hạn chế Trái đất không nóng thêm 1,5 độ C vào cuối thế kỷ, cần phải hành động để bảo vệ người dân khỏi các thảm họa khí hậu và để chấm dứt kỷ nguyên sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cần có một cam kết toàn cầu về việc tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo, gấp 2 lần hiệu suất sử dụng năng lượng và đem năng lượng sạch đến cho tất cả mọi người vào năm 2030. Chúng ta cần một cam kết rõ ràng và đáng tin cậy về một lộ trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C”.
Giới quan sát nhận định các đàm phán về nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị COP28 sẽ diễn ra rất căng thẳng, phức tạp do bất đồng lợi ích giữa nhiều bên. Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) cùng hơn 10 quốc gia khác đang dẫn đầu nhóm vận động thành lập liên minh toàn cầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu từ việc cắt bỏ toàn bộ các trợ cấp cho loại nhiên liệu này. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là các nước phát thải nhiều nhất, chưa thể hiện ý định tham gia liên minh này. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi lớn khác, như: Ấn Độ, Brazil, Indonesia… và các quốc gia dầu mỏ, cũng muốn ưu tiên thảo luận việc tăng đầu tư cho năng lượng xanh hơn là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần. Vì thế, COP28 sẽ đối mặt với thách thức rất lớn trong mục tiêu đưa ra một văn bản cam kết liên quan đến nhiên liệu hóa thạch được cả 198 bên tham dự ủng hộ.