Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6 đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái Lan.
Những hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến tham dự lần này tiếp tục khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, kêu gọi phát huy tinh thần, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.
Quang cảnh hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự tất cả các phiên họp quan trọng của Hội nghị, gồm Phiên toàn thể, lễ khai mạc hội nghị và phiên họp kín của các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều đề xuất quan trọng để thúc đẩy đoàn kết nội khối cũng như giải quyết các thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Xây dựng một ASEAN bền vững về mọi mặt
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cạnh tranh nước lớn tăng lên, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mọi mặt đời sống. Đây là những yếu tố cho thấy, các nước ASEAN phải tiếp tục đoàn kết hơn nữa để cùng nhau chung tay vượt qua thách thức. Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, đánh giá:
"Bối cảnh của tình hình thế giới làm cho các nhà lãnh đạo quan tâm nhiều. Về an ninh, lo ngại sự cạnh tranh cọ xát giữa các nước lớn ảnh hưởng đến ASEAN. Về kinh tế, chiến tranh thương mại, tác động cách mạng 4.0…đặt ra những thách thức rất lớn cho ASEAN. Hay vấn đề rác thải, già hóa dân số…Do đó, Thái Lan đã đưa ra chủ đề của năm rất đúng đó là bền vững trên tất cả mọi mặt".
Trên tinh thần đó, lãnh đạo các nước đã thảo luận về thúc đẩy 3 trụ cột hợp tác là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa. Các nước khẳng định nhu cầu duy trì một nền an ninh bền, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN. Về kinh tế, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối, trong đó sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019, nhằm tạo ra một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng: "Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa các nước, việc ASEAN ủng hộ hoàn tất RCEP là thể hiện ý chí mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo. Hiệp định này sẽ hỗ trợ các nước ASEAN tự cường, bất chấp sóng gió thương mại toàn cầu".
Về văn hóa xã hội, các nhà lãnh đạo quyết định chọn 2019 là năm Văn hóa ASEAN nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc văn hóa ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên đoàn kết nội khối
Tại Hội nghị lần này, với cương vị là Chủ tịch kế nhiệm ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của ASEAN. Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu là tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, phân tích: "Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị đã đưa ra 3 thông điệp chính. Thứ nhất là Việt Nam ủng hộ những sáng kiến đề xuất của Thái Lan. Thứ hai là Việt Nam sẵn sàng cùng các nước đẩy mạnh sự đoàn kết, xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. Và muốn có được điều đó thì quan hệ với nhau trong ASEAN phải rất chân thành, đi thẳng vấn đề. Thông điệp thứ 3 là sang năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, Việt Nam sẽ bảo vệ tốt nhất lợi ích của ASEAN, có những sáng kiến mới để xây dựng ASEAN vững mạnh".
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Singapore. Thủ tướng cũng đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Lào.
Tại các cuộc gặp này, vấn đề Biển Đông một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra và được các nhà lãnh đạo các nước nhất trí, đó là tiếp tục phối hợp thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và bảo đảm lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31/5/2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 – 1980.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Có thể nói chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN.