Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương

Lại Hoa VOV1
Chia sẻ
(VOV5) -Cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cao đẹp, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

50 năm đã trôi qua, đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người, đặc biệt là cán bộ đảng viên càng thấm nhuần lời dạy của Người, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, để không ngừng tự hoàn thiện mình. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng, hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm của người Đảng viên..

Nhiều năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của sự kính yêu, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng của Người, để mỗi người Việt Nam sống và làm việc tốt hơn.

Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh tư tư liệu/ Nguồn Tapchitochuc Nhà nước

 Nêu gương về đạo đức, lối sống bản lĩnh, trách nhiệm

Trong Di chúc của mình trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn sau ngày cách mạng thành công, việc cần phải làm trước tiên là xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng. Theo chỉ dẫn của Người, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra những giải pháp toàn diện, đồng bộ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng. Cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Đảng đã ban hành nhiều văn bản về trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là quy định rõ ràng về trách nhiệm nêu gương trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa 12. Nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn, tự hào và nguyện làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên  nêu gương về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng; bản lĩnh, trách nhiệm và niềm tin.

Nêu gương phải thực chất trong công việc, trong cuộc sống của mỗi người cán bộ. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, cho rằng: "Muốn nêu gương, thì nói đi đôi với làm. Tôi chỉ tâm niệm một điều là mình nói cái gì thì mình làm cái đó cho chuẩn. Suy nghĩ và hành động phải đặt lợi ích chung lên trên hết, từ công tác cán bộ cho đến quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nhất là phải có tư duy vì sự phát triển chung. Mong muốn của tôi là Đảng phải mạnh, chính quyền phải hành động, nói đi đôi với làm".

Trách nhiệm nêu gương phải được đề cao trong Đảng

Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm phải nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cộng sản Việt Nam. Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến sự tự giác thực hiện của mỗi người, đã góp phần bồi đắp phẩm chất cao quý của cán bộ, đảng viên, tính tiền phong của Đảng và, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm trong mỗi cán bộ, đảng viên và trong toàn Đảng cộng sản Việt Nam.

Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương - ảnh 2 Ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương, tôi nghĩ mỗi người làm đúng theo lương tâm, trách nhiệm của mình chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực. Còn nếu mọi đảng viên không mang hết tâm huyết, nhiệt tình thực thi công việc thì không giải quyết được các vấn đề thực tế thuộc lĩnh vực mình lãnh đạo. Tôi nghĩ ngay từng đơn vị cũng phải tạo chuyển biến trong cán bộ, đảng viên về nêu gương. Hay trong sinh hoạt Đảng cũng phải chú ý nêu gương thì công tác quản lý lãnh đạo đảng viên, công tác kiểm soát quyền lực mới tốt được."

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là mệnh lệnh từ trái tim, trở thành hành động tự giác ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam. Yêu kính Người, mỗi cán bộ, đảng viên càng ra sức nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thiện bản thân, nêu cao trách nhiệm nêu gương của người cán bộ.

Feedback