Hòa bình ở dải Gaza vẫn chỉ là viễn cảnh

Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) - Những diễn biến hiện tại ở Gaza cho thấy, bất chấp mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, hòa bình ở Trung Đông khó có thể được thiết lập và mãi chỉ là viễn cảnh. 

(VOV5) - Những diễn biến hiện tại ở Gaza cho thấy, bất chấp mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, hòa bình ở Trung Đông khó có thể được thiết lập và mãi chỉ là viễn cảnh. 

Dải Gaza ở Trung Đông những ngày qua lại oằn mình trước các đợt không kích của Israel và hậu quả là hàng trăm dân thường thiệt mạng. Gần 6 năm sau cuộc xung đột lớn nhất trong khu vực, Israel và Palestin lại một lần nữa đứng bên bờ vực chiến tranh. Những diễn biến hiện tại ở Gaza cho thấy, bất chấp mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, hòa bình ở Trung Đông khó có thể được thiết lập và mãi chỉ là viễn cảnh.

Hòa bình ở dải Gaza vẫn chỉ là viễn cảnh - ảnh 1
Người dân Palestine mang thi thể của một gia đình bị trúng đạn pháo của Israel (Ảnh: Reuters)


Dù Hamas và Israel đồng ý tôn trọng một thỏa thuận ngừng bắn trong 5 giờ đồng hồ tại Gaza sau 9 ngày giao tranh ác liệt (từ 10-15g địa phương hôm nay), song thỏa thuận này được giới phân tích nhìn nhận là rất mong manh, chỉ đủ thời gian cho người dân ở Gaza tích trữ các nhu yếu phẩm. Trước đó, thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian hòa giải cũng đã bị phá vỡ.

Trước đó, phong trào Hồi giáo Hamas đã đưa ra đề xuất ngừng bắn trong khoảng thời gian 10 năm đổi lấy các điều kiện như thả các tù nhân Palestine đang bị phía Israel bắt giữ, mở các cửa khẩu biên giới giữa Gaza và Israel cho phép hàng hóa và dân cư qua lại và có sự giám sát quốc tế đối với cảng biển Gaza thay vì bị Israel phong tỏa như hiện nay, trả lại những phần đất mà Israel chiếm đóng. Tuy nhiên đề xuất này không được phía Israel chấp thuận.

Vì sao hai nhà nước không thể cùng chung sống hòa bình?

Xung đột ở Gaza bùng phát từ sau vụ bắt cóc và sát hại 3 thiếu niên Israel hồi tháng 6 và vụ sát hại 1 thiếu niên Palestine ở Jerusalem trong một hành động được cho là trả thù. Lập tức sau đó, Israel đã mở chiến dịch quân sự vào dải Gaza nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa của các chiến binh Hamas vào lãnh thổ Israel, khiến 250 người thiệt mạng và hơn 1.570 người bị thương.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Hamas và Israel tồn tại từ sâu xa trong quá khứ. Là một tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống hoạt động ở Bờ Tây và dải Gaza, Hamas được thành lập từ năm 1987 và có tên gọi đầy đủ là Phong trào Hồi giáo Sunni vũ trang Hamas. Hiến chương hoạt động của Hamas là quyết tâm tiêu diệt nhà nước Israel và xây dựng các chuẩn mực Hồi giáo Allah trên toàn lãnh thổ Palestine với khẩu hiệu “Giương cao ngọn cờ đức Allah trên mỗi một tấc đất của Palestine”.


Trong khi phong trào Fatah ở Palestine được xem là một tổ chức ôn hòa, được sự ủng hộ từ Mỹ và phương Tây, thì Hamas luôn bị xem là một tổ chức khủng bố đối với Mỹ, Israel và EU. Mỹ, phương Tây và Israel gây sức ép buộc Hamas từ bỏ đấu tranh vũ trang, công nhận nhà nước Do Thái và tôn trọng các thỏa thuận và hiệp định đã ký với Israel nhưng Hamas vẫn kiên quyết giữ lập trường cứng rắn. Cái bắt tay lịch sử giữa Fatah và Hamas cuối năm 2012 quyết định chấm dứt giao tranh, vì một mục tiêu chung thành lập một Nhà nước Palestin độc lập, tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào Mỹ và đồng minh Israel. Thủ tướng Israel Benjaminh Netanyahu khi đó đã gọi thỏa thuận này là một chiến thắng của chủ nghĩa khủng bố. Và kể từ đó đến nay, giao tranh liên tục tái diễn tại dải Gaza khi một bên bất chấp sự phản đối xây những khu định cư cho người Do Thái, còn bên kia kiên quyết không chấp nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel.

Nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột ở Gaza

Cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine gia tăng đột biến những ngày qua đang khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên minh Châu Âu (EU) và Liên đoàn các quốc gia Arab đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận dân thường trong cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng đã cảnh báo Tel Aviv không phát động bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào nhằm vào dải Gaza. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai phản đối một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang có những hoạt động ngoại giao con thoi ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm một giải pháp tạm thời cho tình hình ở khu vực dải Gaza.

Máu vẫn đổ trên dải Gaza

Trong khi mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế đang khẩn trương xúc tiến, nhằm tìm kiếm một giải pháp tạm thời thì máu vẫn không ngừng rơi tại dải Gaza. Hành động trả đũa của 2 bên trong những ngày qua đang đẩy những người dân vô tội sống trong vùng chiến sự ở Gaza vào cảnh khốn khổ vì bị kẹt dưới hai làn đạn. Hiện tại, các cuộc không kích của Israel gây thiệt hại rất lớn với 560 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và hàng nghìn nhà bị hư hại, hơn 17.000 người ở Gaza phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Giới phân tích nhận định, Hamas có mối quan hệ chặt chẽ với mạng lưới tổ chức anh em hồi giáo ở nhiều nước Arab, đặc biệt là sự hậu thuẫn mạnh mẽ  từ Iran, xung đột ở Gaza không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ trong những ngày tới mà lan cả toàn khu vực Trung Đông. Trung Đông giờ đây đang đứng trước những diễn biến khó lường và hòa bình ở khu vực này có thể còn mất rất nhiều thời gian nữa mới đi đến đích./.



Feedback