Hiệu quả của cơ chế hợp tác ASEAN+1

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ ASEAN với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU đều đạt những tiến triển vượt bậc. Bên cạnh thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, các đối tác này còn hỗ trợ đáng kể cho ASEAN ứng phó các thách thức như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh hàng hải, tội phạm mạng, buôn bán động vật hoang dã và buôn bán người. 

(VOV5) - Cùng với sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và xu thế hội nhập của thế giới, ASEAN ngày càng củng cố quan hệ song phương với các đối tác thông qua việc xây dựng cơ chế cũng như văn kiện pháp lý ghi nhận sự thỏa thuận của các bên. Hiện nay, khuôn khổ hợp tác ASEAN+1 là khuôn khổ hợp tác đã đạt được nhiều thành tựu trên thực tế và là cơ chế hợp tác ngoại khối hiệu quả nhất của ASEAN.


Hiệu quả của cơ chế hợp tác ASEAN+1 - ảnh 1
Đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ. AFP/TTXVN




ASEAN+1 là khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài. Đây là khuôn khổ hợp tác ngoại khối được thành lập sớm nhất của ASEAN. Từ khi thành lập, ASEAN đã thiết lập quan hệ song phương với các quốc gia và các thực thể khác trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm củng cố vị thế của ASEAN. Hiện nay, ASEAN duy trì quan hệ với 10 đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và New Zealand.


Thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi


Trong thời gian qua, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1 được đẩy mạnh và nâng cấp. Bên cạnh tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, ASEAN luôn đề cao tầm quan trọng của việc bảo đảm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Điều này cũng được các đối tác nhất trí cao.

Những cam kết ủng hộ của các đối tác thời gian qua là động lực giúp các nước ASEAN xây dựng và củng cố một cộng đồng năng động và phát triển. Đặc biệt, cơ chế đối thoại ASEAN+1 giai đoạn sau 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với vị thế của khối và cũng là chính sách ưu tiên của ASEAN. ASEAN hiện đã đạt được thành quả lớn nhất trong hội nhập kinh tế đó là đã tạo lập được một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015. Vì vậy, hợp tác kinh tế thương mại trong khuôn khổ ASEAN+1 rất được các thành viên của khối quan tâm và coi đó là một trọng tâm ưu tiên. Đầu tiên phải kể đến Nhật Bản, quốc gia Châu Á có tiềm lực kinh tế vững mạnh. Nhật Bản đã dành nhiều hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN, trong đó có cam kết hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hiện thực hóa "tăng trưởng có chất lượng" ở tiểu vùng Mekong, triển khai Chiến lược Tokyo 2015. Hiện nay, hai bên xúc tiến kiểm điểm Lộ trình 10 năm hợp tác Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản, hướng tới Lộ trình giai đoạn mới 2016-2025. Với đối tác Australia, Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ký năm 2012 đang phát huy thế mạnh. Mới đây, Australia đã gia hạn triển khai Chương trình Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế đến năm 2018 và Chương trình Hợp tác Phát triển ASEAN- Australia giai đoạn II đến năm 2019 với cam kết hỗ trợ 34 triệu USD. Tại Hội nghị ASEAN-Australia diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 ở Lào, Australia cam kết dành hơn 100 triệu AUD trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm hỗ trợ tăng cường hợp tác giáo dục và liên kết nhân dân giữa Austrlia và các nước ASEAN. Quan hệ kinh tế ASEAN – Nga trong những năm gần đây được tiếp tục thúc đẩy thông qua triển khai Lộ trình Hợp tác Đầu tư và Thương mại ASEAN-Nga, triển khai các kế hoạch công tác về khoa học, công nghệ, nông nghiệp, năng lượng và an ninh lương thực. Hai bên đang nhất trí phối hợp tổ chức kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác trong năm nay. ASEAN và Nga cũng nhất trí triển khai hiệu quả Kế Hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020 nhằm hiện thực hóa tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Hỗ trợ ASEAN đối phó với các vấn đề an ninh toàn cầu

Quan hệ ASEAN với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU đều đạt những tiến triển vượt bậc. Bên cạnh thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, các đối tác này còn hỗ trợ đáng kể cho ASEAN ứng phó các thách thức như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh hàng hải, tội phạm mạng, buôn bán động vật hoang dã và buôn bán người.


Hiệu quả của cơ chế hợp tác ASEAN+1 - ảnh 2
Quang cảnh Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN – EU, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan. Phạm Kiên – TTXVN


Như vậy, có thể thấy cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+1 là cơ chế hợp tác mang tính toàn diện nhất so với hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác ngoại khối khác của ASEAN. ASEAN+1 cũng là cơ chế hợp tác đạt được những kết quả thiết thực nhất đối với ASEAN cũng như đối với các đối tác. Các đối tác đều cam kết ủng hộ và hỗ trợ ASEAN đưa Cộng đồng phát triển, thu hẹp khoảng cách phát triển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình khu vực, hỗ trợ đáng kể về tài chính ở mức độ khác nhau. Điều này càng khẳng định sự thành công và hiệu quả của ASEAN+1, tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia ASEAN và các đối tác gặp nhau, chia sẻ quan điểm, tạo niềm tin, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại.  Đồng thời hợp tác an ninh trong khuôn khổ ASEAN+1 cũng giúp các quốc gia ASEAN đối phó với các vấn đề an ninh toàn cầu như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. Cùng với sự phát triển của ASEAN và xu thế hội nhập của thế giới, ASEAN+1 đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình, thể hiện tính hiệu quả của mình trong việc hợp tác song phương với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực.

Feedback