Hôm qua (19/6), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia (Hiệp ước về Biển cả). Văn kiện này góp phần quan trọng trong việc củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia.
Hiệp ước thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia thành viên trong việc đạt được một văn kiện nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển tại biển cả.
Toàn cảnh phiên họp liên Chính phủ nhằm phê chuẩn hiệp ước bảo vệ các vùng biển quốc tế tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 19-6-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Cơ chế chia sẻ lợi ích nguồn tài nguyên biển công bằng
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia nói cách khác chính là phần biển cả rộng lớn ngoài vùng đặc quyền kinh tế và đáy biển ngoài thềm lục địa của các nước. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Trên vùng biển quốc tế này, các nước có quyền tự do đánh cá, song khoáng sản dưới đáy biển thì được coi là di sản chung của nhân loại. Việc khai khoáng phải thực hiện theo một cơ chế cấp phép và chia sẻ lợi ích của toàn thể các quốc gia.
Tuy nhiên, UNCLOS 1982 chưa điều chỉnh về một nguồn lợi mới, đó là nguồn gien biển của các loài sinh vật chỉ sống ở những vùng nước sâu và xa bờ. Hiện nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và các công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào, mới có khả năng thu thập nguồn gien biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định về nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn biển.
Vì vậy, nội dung Hiệp ước về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp ước về Biển cả), ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gien biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gien biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia. Đáng chú ý, lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hoá về nguồn gien”, được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gien biển và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại theo một cơ chế được Hiệp ước xác định. Trong bối cảnh khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gien biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển còn cách biệt, văn kiện này đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gien biển ngoài vùng tài phán quốc gia, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gien biển phong phú.
Ngoài ra, trên thực tế, rất ít vùng biển ngoài khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. Do đó, Hiệp ước đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, mỗi năm, thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Hiệp ước cũng cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế, đóng vai trò nền tảng cho hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu trên biển
Khẳng định nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển
Hiệp ước về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp ước biển cả) là văn kiện thứ 3 về thực thi UNCLOS 1982, bên cạnh Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 và Hiệp định thực thi Phần XI năm 1994 quy định về quản lý và khai thác vùng đáy biển quốc tế.
Các thành viên UNCLOS đánh giá việc thông qua văn bản của Hiệp ước là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương". Hiệp ước về Biển cả sẽ củng cố hơn nữa UNCLOS 1982, bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển. Đặc biệt, đây là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.