Ngày 10/10 cách đây 70 năm, thủ đô Hà Nội được giải phóng. Lời hiệu triệu Hỡi đồng bào Thủ đô đứng lên giành độc lập vang lên trong mùa thu năm ấy như sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, để 70 năm sau, người dân Hà Nội đoàn kết xây dựng Thủ đô anh hùng, Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, đưa Hà Nội trở thành động lực phát triển của cả nước, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Nghe âm thanh tại đây:
Những ngày thu lịch sử
Qúy thính giả đang nghe những âm thanh trên cây cầu Long Biên, cây cầu hơn 100 năm tuổi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của thủ đô Hà Nội. Trên cây cầu này, 70 năm trước, những người lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bộ đội Việt Nam vào tiếp quản Thủ đô, mở ra trang sử mới, hào hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Sáng sớm mùa thu lịch sử năm 1954, ngày 10/10, cơn mưa rào bất chợt khiến trời thu Hà Nội trong vắt và xanh hơn. Người Hà Nội bảo đó là cơn mưa rửa sạch nô lệ. Kể từ đây, người dân Hà Nội không còn sống trong cảnh bị áp bức.
"Năm 1954, khi bộ đội tiếp quản Thủ đô, tôi mới 17 tuổi. Tôi thấy đoàn quân với các anh bộ đội thì rất vui, tôi xách máy ảnh ra chụp. Không phải mình tôi mà cả Hà Nội háo hức từ hôm trước. Khi bộ đội về Thủ đô là cả sự vỡ òa. Phố đông nghẹt người.
Ảnh minh họa: VOV |
Đêm hôm trước thì im lặng như tờ bởi vì Tây đi rồi mà bộ đội mình thì chưa về. Phải đến hôm sau, bộ đội về thì tất cả chúng tôi chạy ra. Tôi còn nhỏ, mới có 12 tuổi, nên phải bắc ghế đứng xem. Có những chú bé nhỏ hơn thì trèo lên cột đèn để xem bộ đội vào giải phóng thủ đô. Đây là những kỷ niệm vô giá, không thể quên được.
Nam: Phút giao thời, ngoài đường vắng tanh. Nhà nhà đóng chặt cửa nhưng bỗng nhiên ở cuối phố hay đầu phố thấy cờ đỏ sao vàng thì mọi cửa nhà mở tung ra. Không khí thì không thể quên được. Chuyện tiếp quản Thủ đô ấy vừa là kết quả của một quá trình đấu tranh chính trị, quân sự và trên mọi lĩnh vực nhưng đồng thời đó cũng là thực hiện một lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Ngày tiếp quản Thủ đô diễn ra thanh bình, không có tiếng súng. Ngẫm ra, đó cũng là hình ảnh mang tính biểu trưng về một góc khác của Hà Nội - một thành phố vì hòa bình thường được nhắc tới sau này.
70 năm sau, không khí ngày giải phóng được tái hiện chân thực, sống động qua triển lãm 3D trực tuyến Hỡi đồng bào Thủ đô!
“Sau 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân và quân đội Việt Nam, hòa bình được lập lại ở Đông Dương. Nhân dân cả nước và nhân dân Thủ đô vô cùng phấn khởi, chào mừng ngày Hà Nội giải phóng”.
Thính giả đang nghe lời thuyết minh của triển lãm 3D trực tuyến về Hà Nội với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. Triển lãm giới thiệu hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1954. Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết:
Chúng tôi đã lựa chọn không gian 3D để tái hiện lại những hình ảnh khói lửa ngập tràn cũng như không khí hồ hởi của Hà Nội ngày trở về để thể hiện được không khí hào hùng của dân tộc, đặc biệt là những người yêu Hà Nội, có thể sống trong không khí này. "Hỡi đồng bào Thủ đô!" Khẩu hiệu quen thuộc ấy như lời hiệu triệu tạo nên sức mạnh đoàn kết trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội. Lời kêu gọi đó như vẫn còn vang vọng, là động lực cố kết người Hà Nội trong cuộc cuộc kiến thiết Thủ đô sau này.
Khôi phục và xây dựng Thủ đô
Trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển. Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, Hà Nội lần lượt thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: Khôi phục kinh tế (1954 - 1957), cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến để thống nhất đất nước.
Từ năm 1986 đến nay, Hà Nội đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Kinh tế Hà Nội không ngừng vươn lên, khẳng định sức bền, quy mô và vị thế đầu tàu ngày càng vững chắc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng. Từ năm 2021 đến năm 2023 đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2023, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Là trung tâm chính trị, Hà Nội là nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế… Là nơi Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết sách chiến lược để bảo vệ thành quả của cách mạng cũng như chiến lược phát triển đất nước….
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá: Nhiều sự kiện, không chỉ là thương hiệu của Hà Nội, mà gắn với Việt Nam và ở cả thế giới, cho thấy những gì chúng ta đạt được trong 70 năm vừa qua, đặc biệt là trong thời gian gần đây, đã làm cho Hà Nội thực sự xứng đáng là Thủ đô của một nước Việt Nam, mà ở đó có những biểu tượng, những giá trị tự hào. Hà Nội thực sự có nhiều nỗ lực để khẳng định sức mạnh của thủ đô của đất nước.
Đáng chú ý, cách đây 25 năm (năm 1999), Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
20 năm sau (năm 2019), UNESCO ghi danh Hà Nội - Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” toàn cầu, như một sự định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Nhiều nguyên thủ quốc gia an tâm tản bộ cùng người dân trên phố phường Hà Nội khi thăm chính thức Việt Nam. Hà Nội cũng là điểm hẹn của những cuộc đối thoại về hòa bình, mà trong đó cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều (năm 2019) là ví dụ điển hình.
Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, đã có những bước phát triển đặc biệt là về kinh tế, đối ngoại. Hà Nội đã trở thành điểm hẹn của bạn bè quốc tế. Những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội đã tạo trong lòng những người đến Hà nội những trải nghiệm rất đặc biệt:
"Tôi rất muốn bạn bè tôi biết đến những nét đẹp nhất về Hà Nội, như về đường phố, ẩm thực, cảnh quan, đến di tích lịch sử. Khi nghe 2 tiếng Hà Nội như có điều gì đó thổn thức trong tim tôi. Trên trang tik tok của mình, tôi tập trung lan tỏa những nét đẹp của Hà Nội để các bạn nước ngoài biết thêm về Thủ đô của Việt Nam.
70 năm trước, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ, quân và dân Hà Nội đoàn kết, đồng lòng giải phóng Thủ đô. 70 năm sau, chính quyền, nhân dân Hà Nội tiếp tục hợp lực để Thủ đô anh hùng giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Điều này cũng hiện thực hóa lời chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước: Tôi xin chúc toàn thể đồng bào Hà Nội đoàn kết, phấn đấu thắng lợi.
Vươn mình cùng đất nước
70 năm sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Trong tiến trình mới, Hà Nội xác định tầm nhìn chiến lược, gánh vác vai trò dẫn dắt đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, của Bộ chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Dựa vào những tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội, Đảng, Nhà nước đặt niềm tin chắc chắn vào tương lai phát triển của Thủ đô, đã ban hành nhiều chính sách để Hà Nội bứt phá. Tháng 5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tháng 5 năm 2024, ban hành Kết luận số 80 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV cũng đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù để Hà Nội phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngay sau khi được giao trọng trách người lãnh đạo cao nhất của Đảng (tháng 8/2024) đã chọn Hà Nội là địa phương đầu tiên để làm việc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm định hướng: Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; ba chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thức rõ trách nhiệm được giao, trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, như: hệ thống đường sắt đô thị; các đường vành đai, các cầu vượt sông...
Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Hà Nội đang xây dựng hệ thống các thể chế chính sách, nhất là những yếu tố để có thể thu hút rộng rãi các nguồn lực, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách. Hà Nội cũng đang nghiên cứu hệ thống chính sách về xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với những trung tâm lớn về thể thao, tổ chức sự kiện văn hóa hay hỗ trợ triển lãm quốc tế ….Tôi hy vọng rằng những chính sách này sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho phát triển của Thủ đô.
Những thành tựu mà Hà Nội đạt được sau 70 giải phóng thực sự là biểu tượng cho sự vươn lên của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII (tháng 9/2024) đã đề ra.