Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Điểm nối bật trong báo cáo là người đứng đầu Chính phủ khẳng định dự kiến, năm 2017, Việt Nam đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tất cả 13 chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mục tiêu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7 GDP năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được về KT-XH năm 2017, nhấn mạnh tinh thần quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn; xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập. Đồng thời đề ra mục tiêu và nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2017
Kết quả nổi bật nhất năm 2017 là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017. Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng tăng cao, bù đắp được sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng. Dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, nhất là du lịch quốc tế đến Việt Nam. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu đã đề ra của cả năm 2017.
Báo cáo cho biết trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất từ 2008; ước cả năm GDP đạt 6,7%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Trên cơ sở kết quả 9 tháng với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.”
Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế năm 2018
Mục tiêu tổng quát năm 2018 trong lĩnh vực kinh tế được Chính phủ Việt Nam xác định là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) phấn đấu tăng 6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%. Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ xác định nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. “Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai thực hiện Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với trên 700 thủ tục hành chính. Yêu cầu tất cả các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ; phấn đấu năm 2018 cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nhất là nhóm các chỉ tiêu còn thấp để tiếp tục nâng cao hơn nữa chỉ số xếp hạng của Việt Nam.”
Song song với việc tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định sẽ cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất. „Chính phủ thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sau khi được Quốc hội thông qua và Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo Đề án, tiến độ, lộ trình đề ra; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề tại các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu.”
Với thành quả đạt được trong điều hành kinh tế - xã hội 9 tháng qua và quyết tâm mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2017 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.