(VOV5) - Trong phiên giải trình về chính sách xoá đói giảm nghèo do Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay, nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được đề xuất. Đây cũng là những giải pháp nhằm giúp Việt Nam giảm nghèo bền vững.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn,bản đặc biệt khó khăn đã giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi Tây Bắc vẫn cao gấp 2,97 lần so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Miền núi Đông bắc là 1,81 lần; bắc Trung bộ và Tây Nguyên là 1,56 lần. Trên bình diện chung, tỷ trọng hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Thực trạng trên là do việc giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là vùng khu vực miền núi phía bắc và Tây nguyên.
Tránh chồng chéo chính sách
Theo đánh giá của Bộ lao động thương binh và xã hội, một trong những yếu tố dẫn đến hiệu quả giảm nghèo chưa như mong muốn là do trùng lặp trong chính sách về xoá đói giảm nghèo nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình cần đất sản xuất. (Ảnh: TTXVN) |
Tình trạng này khiến chính sách manh mún, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện chính sách ở một số nơi còn chưa kịp thời, bỏ sót đối tượng, thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ phát triển sản xuất với chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư. Nguồn lực thực hiện chính sách chính vì thế mà còn dàn trải. Do đó, để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, cần phải sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách về miền núi theo định hướng hình thành chính sách tổng thể, mục tiêu dài hạn: Một trong những giải pháp ưu tiên là tiếp tục tập trung cao cho vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Thứ nhất là tới đây sẽ dành nguồn lực của giai đoạn còn lại cho các huyện, xã nghèo và giao ổn định nguồn lực đầu tư theo trung hạn chứ không giao hàng năm để đầu tư cho hạ tầng đi lại, hạ tầng tiếp cận dịch vụ và hạ tầng sản xuất. Thứ hai là giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp thay bằng chính sách khuyến khích để người dân tự vươn lên như tăng hướng dẫn nghề nghiệp, khuyến khích hộ nghèo vay nguồn vốn cho hộ nghèo…Thứ ba là phân loại đối tượng nghèo để hỗ trợ hiệu quả.
Bố trí đất ở, đất sản xuất phù hợp
Thiếu đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả xóa đói giảm nghèo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sức ép về dân số, do thiên tai và do quỹ đất hạn chế… Tuy Đảng và Chính phủ, địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện nhưng đây vẫn là vấn đề cần giải quyết của nhiều địa phương.
|
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Khó khăn chính là nguồn đất. Do đó, hướng để giải quyết là rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh. Trên cơ sở đó có thể thu hồi 1 phần đất phù hợp cho đồng bào sản xuất. Thời gian qua, các địa phương đã thu hồi trên 800 nghìn ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Thứ 2 là nhiều nơi không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất nông nghiệp nhưng quỹ đất lâm nghiệp vẫn còn. Nên Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh việc giao đất giao rừng cho đồng bào. Từ năm 2005 đến nay, đã giao 118 nghìn ha cho 5427 hộ và theo tôi chủ trương này có thể tiếp tục. Thứ 3 là cần tiếp tục các nỗ lực để hỗ trợ cho đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có. Thứ 4 là cần tiếp tục hỗ trợ phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp cho đồng bào.
Song song với việc bố trí hợp lý lại đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho các dự án xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đào tạo nghề, tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc….
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam sẽ từng bước giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo được an sinh xã hội./.