Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực tìm cách thích ứng với các xu hướng nhân khẩu học, để giải quyết các thách thức, cũng như nắm bắt cơ hội từ vấn đề dân số nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Về phần mình, Liên hiệp quốc nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để thực hiện được giấc mơ phát triển bền vững của 8 tỷ người đang sinh sống trên Trái đất.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số thế giới đã cán mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11 năm ngoái. Tính đến ngày 29/6 năm nay, dân số thế giới là 8.031.418.653 người. Dự báo, dân số thế giới sẽ đạt mốc 9 tỷ người vào năm 2037 và đạt 10 tỷ người vào năm 2057.
Thực trạng dân số thế giới
Trong khi dân số thế giới đang trên đà tăng, nhiều quốc gia châu Á và châu Âu lại phải đau đầu tìm cách cải thiện tình trạng tỷ lệ sinh thấp, kéo theo sự sụt giảm dân số. Tại Nhật Bản, tỷ lệ trẻ em đã giảm năm thứ 42 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục. Tính đến ngày 1/4 năm nay, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, là 14,35 triệu người, giảm khoảng 300.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo đến năm 2070, dân số Nhật Bản chỉ còn 87 triệu người, giảm 30% so với năm 2020. Ở châu Âu, Italia cũng chung nỗi lo về tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm như một số quốc gia châu Á. Số sinh của Italia trong 11 tháng đầu tiên của năm 2022 đã giảm 3% so với mức 400.000 trẻ chào đời cùng kỳ năm 2021. Viện Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT) cho biết dân số nước này có thể giảm gần 20%, trong vòng 5 thập niên tới, do hệ quả từ tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già sẽ dẫn tới áp lực gia tăng lên quỹ lương hưu và chi phí chăm sóc y tế; lực lượng lao động thiếu hụt, cản trở đà tăng trưởng kinh tế...
Cùng lúc đó, một số quốc gia khác lại chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về dân số. Giữa tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ai Cập cũng đang đứng trước nguy cơ tăng dân số quá nhanh. Người đứng đầu Hội đồng dân số quốc gia Ai Cập, Tarek Tawfik, nhấn mạnh dân số của quốc gia Bắc Phi này dự kiến sẽ đạt từ khoảng 142 triệu đến 157 triệu người vào năm 2050.
Cơ hội đi kèm thách thức
Sự gia tăng về quy mô dân số được coi là một “lợi thế nhân khẩu học”, với những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Nguồn lao động dồi dào là cơ sở và lợi thế để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Sự gia tăng dân số còn là minh chứng rõ rệt cho các thành tựu về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, khoa học công nghệ...
Thế nhưng, đi kèm với cơ hội nhân khẩu học là hàng loạt thách thức. Dân số tăng sẽ tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng, các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, việc làm, cũng như cho môi trường, hệ sinh thái...Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ của tốc độ già hóa dân số đối với nền kinh tế, đồng thời cho rằng nhận thức của người dân về hệ quả của tỷ lệ sinh thấp là chưa đầy đủ. Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh không nhận được sự chú ý của các nhà kinh tế bằng các dữ liệu về GDP hay lạm phát, nhưng đây lại là yếu tố có tác động quan trọng đến nền kinh tế trong trung hạn.
Để giải quyết thực trạng này, một số sáng kiến, biện pháp đã được các chính phủ đề ra. Những quốc gia có tỷ lệ sinh giảm đưa ra kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con vì sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại đối với nỗ lực khuyến sinh, từ những lo ngại về môi trường, khuynh hướng trì hoãn sinh con của phụ nữ, cho đến những vấn đề tài chính. Ngược lại, tại Ai Cập, quốc gia đứng trước sự gia tăng dân số nhanh chóng, có đến 22 tổ chức đang tham gia hoạt động kiểm soát dân số, nhưng vẫn chưa có một chính sách đủ mạnh để kiềm chế đà tăng này.
Thúc đẩy bình đẳng giới để giải quyết các thách thức của vấn đề dân số
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), phụ nữ và trẻ em gái hiện chiếm 49,7% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua trong các vấn đề nhân khẩu học. Cùng với đó, quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Điều này đã và đang tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh, dẫn đến tất cả nhân loại, (chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái), không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững. Do đó, Báo cáo Tình trạng Dân số năm 2023 của UNFPA khuyến nghị rằng hãy trao cho phụ nữ và trẻ em gái quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của họ, họ và gia đình sẽ thành đạt và cùng chúng ta giải quyết mọi thay đổi và thách thức nhân khẩu học trong tương lai.
UNFPA cũng chọn chủ đề cho ngày Dân số thế giới năm 2023 là: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong vấn đề dân số.Theo UNFPA, quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế, và xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Chỉ khi đó, thế giới mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách về dân số hiện nay.
Dân số và sự phát triển xã hội có mối quan hệ khăng khít. Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo ra xã hội có khả năng chống chịu tốt với những thay đổi nhân khẩu học là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người. Cùng với đó, con người luôn là nhân tố quyết định trong mọi cuộc chơi. Do đó, nếu thế giới cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em nhiều hơn, sẽ phát huy được tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người, thay vì chỉ một nửa trong số đó, để sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, đưa thế giới phát triển ngày một tốt đẹp hơn.