Brexit chưa bao giờ được coi là dễ dàng với nước Anh và liên minh châu Âu (EU). Đến thời điểm này khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng là đến ngày Anh chính thức rời mái nhà chung EU, việc có hay không có thỏa thuận về Brexit vẫn là mâu thuẫn chính trong nội bộ nước Anh, thậm chí trong những ngày gần đây tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tìm cách trì hoãn lịch làm việc của Quốc hội để tránh việc các nghị sĩ Anh tìm cách ngăn chặn Brexit.
Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, đa số người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ nước này "ly hôn" Liên minh châu Âu (EU). Song, kể từ đó quốc hội và chính phủ nước này luôn tranh cãi về cách thức thực hiện Brexit. Do không thể thuyết phục các nghị sĩ chấp nhận thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi năm ngoái, bà Theresa May, người tiền nhiệm của Thủ tướng Johnson, đã phải rời ghế lãnh đạo nội các Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson-Ảnh Reuters |
Động thái cao tay của tân Thủ tướng Anh
Dù mới nhậm chức Thủ tướng từ cuối tháng 7 vừa qua nhưng ông Boris Johnson dường như đã mất hết kiên nhẫn với cuộc khủng hoảng hiện thời trong chính trường Anh, liên quan đến những bất đồng về Brexit. Với quyết tâm đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đúng thời hạn đã cam kết, Thủ tướng Boris Johnson đã đề nghị nữ hoàng cho phép trì hoãn lịch làm việc của Quốc hội tới ngày 14/10, tức là chậm hơn so với thông lệ 5 tuần.
Giải thích lý do việc làm này, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng Chính phủ cần xây dựng một chương trình lập pháp mới, đồng thời khẳng định sẽ có đủ thời gian cho tất cả các nghị sĩ thảo luận về Brexit và các vấn đề khác. Ông đồng thời cảnh báo, nếu các nghị sĩ Anh tìm cách ngăn chặn hoặc trì hoãn Brexit sau ngày 31/10, điều này sẽ gây ra những tổn thất về lâu dài đối với các chính đảng lớn ở Anh cũng như niềm tin của công chúng vào nền chính trị.
Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng động thái trì hoãn lịch làm việc của Quốc hội khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận chỉ có ít thời gian để chuẩn bị thủ tục cần thiết. Điều này buộc họ phải chọn kế hoạch dự phòng là tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng. Nhưng để cuộc bỏ phiếu đạt được kết quả như phe phản đối Brexit không thỏa thuận mong muốn thì phải có những thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu không ủng hộ đảng của mình. Đây là viễn cảnh khó xảy ra.
Trong khi đó, Chính phủ Anh do Thủ tướng B.Johnson đứng đầu cũng đón trước được tình huống này nên ngày 2/9 cho biết sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 14/10 tới nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận trong tuần này. Thủ tướng Jonhson cho rằng nếu các nghị sĩ ủng hộ thì ông hoàn toàn có thể đạt được những điều khoản thay đổi với EU trong thỏa thuận Brexit tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào 17/10 tới. Đây là những điều khoản khiến cho Thỏa thuận Brexit giữa EU và người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã bị Hạ Viện bác bỏ 3 lần.
Bất bình dâng cao
Những động thái được cho là mạnh tay của Thủ tướng Anh đương nhiên vấp phải sự phản đối gay gắt của phe đối lập khi cho rằng người đứng đầu nội các Anh đang tìm cách cản trở ý định ngăn chặn Brexit không thỏa thuận của họ. Phe phản đối Brexit không thỏa thuận tuyên bố kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia. Điều này có thể khiến Anh rời EU mà không có cam kết cũng như không có những quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ Anh - EU hậu Brexit như giao dịch thương mại, quyền của công dân Anh ở EU... Đây là những nguy cơ gây chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, đẩy kinh tế Anh vào suy thoái.
Sự phản đối chính trị đối với ông B.Johnson còn gia tăng mạnh với một bản kiến nghị có hơn 1,3 triệu chữ ký đề nghị tòa án khẩn cấp xem xét "tác động và ý định" của kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội Anh. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Tự do Jo Swinson đề nghị được tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ sự phản đối việc Nữ hoàng đồng ý với đề nghị trì hoãn kỳ họp Quốc hội của Thủ tướng Boris Johnson. Trong khi đó, hàng nghìn người dân tập trung tại nhiều thành phố trên khắp nước Anh như: London, Manchester, Edinburgh... bày tỏ sự bất bình với quyết định của Thủ tướng đương nhiệm.
Mặc dù Thủ tướng Anh rất tự tin và cho rằng tất cả vấn đề liên quan đến Brexit sẽ đi theo trật tự song điều đáng nói là cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ nhượng bộ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều khoản "chốt chặn" về biên giới Ireland. Đây là cơ chế nhằm tránh các biện pháp kiểm soát biên giới giữa Ireland, quốc gia thành viên của EU với Bắc Ireland thuộc Anh.
Việc tạm hoãn hoạt động của quốc hội có thể là một nước cờ mới của ông Johnson trên lộ trình Brexit. Song, nước cờ này cũng chứa đầy rủi ro. Một số người đánh giá ông Johnson đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho nước Anh khi lãnh đạo chính phủ có thể vận dụng các công cụ chính trị có trong tay để qua mặt cơ quan lập pháp, đẩy đất nước vào tình thế chia rẽ thêm trong bối cảnh khủng hoảng chưa từng có trong vài thập kỷ trở lại đây.