Tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20 cuối tuần qua (9-10/09) tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ, Liên minh châu Phi (AU) đã chính thức được mời gia nhập. Đây được xem là chiến thắng ngoại giao cho châu Phi và là sự ghi nhận vai trò ngày càng quan trọng của châu Phi nói riêng cũng như thế giới phương Nam nói chung trong nền quản trị toàn cầu.
Lời mời Liên minh châu Phi gia nhập G20 được Thủ tướng nước chủ nhà Ấn Độ, Narendra Modi công bố ngay trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 sáng ngày 09/09 tại thủ đô New Dehli. Liên minh châu Phi sẽ nhận tư cách thành viên thường trực đầy đủ của G20 kể từ Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm vào năm tới tại Brazil và sẽ có vị thế tương đương với Liên minh châu Âu (EU), thay cho quy chế hiện tại là “tổ chức quốc tế được mời”.
Chiến thắng ngoại giao cho châu Phi
Đối với Liên minh châu Phi (AU), tổ chức quy tụ gần như toàn bộ các quốc gia châu Phi (55 quốc gia), đây là một chiến thắng ngoại giao có tầm vóc lịch sử bởi Liên minh châu Phi đã đề xuất gia nhập G20 từ cách đây 7 năm nhưng không thành công. Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra, quốc gia châu Phi duy nhất được góp mặt trong nhóm G20 là Nam Phi.
Phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 sáng 09/09 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI |
Tổng thống Comores, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi, ông Azali Assoumani cho rằng, việc G20 kết nạp Liên minh châu Phi đã sửa chữa một bất công bởi với 55 quốc gia thành viên, 1,4 tỷ dân và tổng GDP gần 3000 tỷ USD, Liên minh châu Phi xứng đáng có một tiếng nói trong tổ chức quy tụ các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.“Việc kết nạp Liên minh châu Phi với 55 quốc gia thành viên và GDP hàng nghìn tỷ USD vào G20 là thắng lợi ngoại giao. Đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ, một cơ hội lớn để châu Phi bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình tại tổ chức là trung tâm quản trị kinh tế toàn cầu”.
Trong thư mời Liên minh châu Phi gia nhập G20, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi cũng khẳng định, việc Liên minh châu Phi gia nhập G20 là một bước đi đúng đắn hướng tới một kiến trúc quản trị toàn cầu công bằng, toàn diện và mang tính đại diện hơn.
Nhiều quốc gia thành viên chủ chốt trong G20 ủng hộ việc kết nạp Liên minh châu Phi. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay tại Ấn Độ, Đức đã vận động mạnh mẽ để G20 kết nạp Liên minh châu Phi. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ, Joe Biden gọi đây là “sự kiện được chờ đợi từ lâu”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Indonesia, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng ủng hộ G20 trao tư cách thành viên đầy đủ cho Liên minh châu Phi.
Gia tăng sức mạnh đàm phán
Đánh giá về ý nghĩa của việc Liên minh châu Phi tham gia G20, Tổng thống Kenya, ông William Ruto cho rằng tư cách thành viên đầy đủ sẽ cho phép châu Phi tác động đến tiến trình ra quyết định của G20, trong đó có nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến lợi ích của châu Phi như chống biến đổi khí hậu, giảm nợ cho các nước nghèo hay cải cách các thể chế tài chính quốc tế đa phương.
Nhà nghiên cứu chính trị đến từ Nigeria, ông Emmanuel Igah thì nhận định, việc G20 kết nạp Liên minh châu Phi là sự thừa nhận vai trò ngày càng gia tăng của các quốc gia phương Nam (Global South) trong các vấn đề kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ôm Tổng thống Azali Assoumani của Comoros, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên AU. Ảnh: AFP |
Theo ông Emmanuel Igah, châu Phi đang nắm trong tay những lợi thế đặc biệt đáng kể về dân số và tài nguyên thiên nhiên. Về dân số, châu Phi hiện có gần 1,4 tỷ dân, đa phần rất trẻ, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, chiếm 1/4 dân số thế giới. Châu Phi cũng sở hữu 60% tài nguyên năng lượng tái tạo của thế giới, 30% trữ lượng các loại khoáng sản đóng vai trò thiết yếu đối với các công nghệ các-bon thấp mà thế giới đang xây dựng nhằm chống biến đổi khí hậu. Do đó, sức nặng đàm phán của châu Phi sẽ gia tăng khi góp mặt trong G20: “Châu Phi được lợi rất nhiều khi tham gia G20. Đơn cử như việc đàm phán giá các nguyên liệu đầu vào, châu Phi hiện đang bị trả giá rất thấp cho các nguyên liệu được khai thác trên chính châu lục của mình, trong khi toàn bộ các nước nhập khẩu lớn nhất của châu Phi đều nằm trong G20. Tất nhiên, trước tiên châu Phi cần có chung một tiếng nói, không dùng nước này chống lại nước kia trong nội bộ để khiến cả châu lục bị tổn hại”.
Đối với giới quan sát, thắng lợi ngoại giao của châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay cũng là một dấu hiệu mới khẳng định thêm xu thế nổi bật trong vài năm qua trên trường quốc tế, là vai trò ngày càng gia tăng về kinh tế và địa chính trị của “thế giới phương Nam”, tức các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Mỹ la-tinh.
Đây cũng là đánh giá của của ông Lula da Silva, Tổng thống Brazil, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên tiếp theo của G20. Tổng thống Brazil khẳng định, khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brazil vào năm sau, tiếng nói của các nước phương Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.
Sau khi kết nạp Liên minh châu Phi (AU), G20 hiện bao gồm 19 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế: Argentina, Úc (Australia), Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả rập Xê-út (Saudi Arabia), Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU)