Đột phá về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân

Hằng Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. 

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 14,  nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành quả tích cực. Để kinh tế đất nước phát triển vững chắc trong thời gian tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần có đột phá về cơ chế chính sách, đồng thời tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân -thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.

Đột phá về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân - ảnh 1Kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Ảnh: vneconomy.vn 

Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 khi nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế”. Những đóng góp của kinh tế tư nhân được đánh giá rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách đến tạo việc làm. Trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua.

Xóa bỏ rào cản để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Theo báo cáo khảo sát về chỉ số niềm tin doanh nhân 2017 do Diễn đàn Kinh tế tư nhân thực hiện, các doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về giấy phép con, khởi nghiệp vẫn khó khăn. Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa 14, một số đại biểu nhận định: Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế này, cần có cơ chế kiểm tra giám sát vai trò của những người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, cho rằng Một số hạn chế có khả năng khắc phục được, quan trọng nhất là Chính phủ phải động viên nhân dân, phối hợp với tất cả cơ quan nhà nước khác tăng cường kiểm soát quyền lực. Bên cạnh đó Quốc hội phải nâng cao giám sát của mình đối với Chính phủ, cơ quan nhà nước để giảm bớt được những hạn chế những khó khăn vướng mắc.

Tạo  sự đột phá về cơ chế, chính sách

Những đóng góp của kinh tế tư nhân được đánh giá rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách đến tạo việc làm. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Nếu các điều kiện kinh doanh được cởi mở hơn thì tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ cao hơn từ 15-50%/năm. Để đạt được mức tăng trưởng này, doanh nghiệp tư nhân mong muốn được bình đẳng tiếp cận các nguồn lực. Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng. Ông Lê Công Nhường, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho rằng cần đầu tư tiềm lực cho các điểm nghẽn của nền kinh tế như về logictic, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, sử dụng hiệu quả đồng vốn, tăng năng suất lao động, kêu gọi Việt kiều cùng tham gia phát triển kinh tế: Theo tôi trong thời gian tới tập trung vào đột phá về cơ chế chính sách. Nghị quyết Trung ương 6  có chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Do đó, chúng ta nên mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển từ đó để đóng góp GDP cho xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường đầu tư vào tiềm lực chủ yếu cho các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Đột phá về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân - ảnh 2 Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM đóng góp về lĩnh vực kinh tế. Ảnh: cafef.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần có những chính sách phù hợp để phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách như Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, chính sách, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ phát triển công nghệ cao… Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa tiếp cận được, vì vậy cần phải rà soát lại những chính sách này cho phù hợp với thực tế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần có sự đầu tư chiến lược cho kinh tế tư nhân:Mong đợi có sự định hướng có sự hỗ trợ của chính phủ để doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt nằm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đó mới thể hiện sự an toàn về bền vững của nền kinh tế quốc gia. Đề nghị quốc hội ra nghị quyết, chính phủ ra kế hoạch hành động về vấn đề hậu kiểm chính sách,chính sách ban hành rồi cần phải rà lại, kiểm tra lại thực tế.

Mục tiêu của Chính phủ hiện nay là hành động để đưa kinh tế tư nhân thành một động lực, chìa khóa cho sự tăng trưởng nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và các sự kiện đối thoại với doanh nghiệp. Từ đó một loạt cải cách chính sách đã được ban hành, những tồn tại của nền kinh tế được nhận diện giúp môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện.

Feedback