Đóng cửa biên giới thời đại dịch

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Một trong những điều chỉnh đối ngoại mạnh mẽ nhất đang được hàng chục quốc gia tiến hành thời gian này là đóng cửa biên giới.

Sự lây lan nhanh chóng cùng diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới, buộc nhiều nước phải triển khai các biện pháp đối quyết liệt, bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách đối ngoại chưa từng có tiền lệ.

Đóng cửa biên giới thời đại dịch - ảnh 1

Ngày 16/3, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố Hungary sẽ đóng cửa biên giới đối với tất cả các loại phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ có công dân Hungary mới được phép nhập cảnh - Ảnh: AFP/TTXVN

Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã lan rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 245.000 ca nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người. Nhiều quốc gia có tỷ lệ vong rất cao như Italia, Iran. Đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực và hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch và thậm chí cả đối ngoại của nhiều quốc gia. Và trên thực tế, để đối phó dịch bệnh, bên cạnh một loạt các biện pháp quyết liệt về mặt đối nội như cấm tụ tập đông người, phong tỏa khu dân cư, đình chỉ vô thời hạn các hoạt động văn hóa, thể thao hay cho học sinh nghỉ học, nhiều quốc gia cũng triển khai thêm các biện pháp đối ngoại mạnh tay chưa từng có như đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh, cấm bay, siết chặt nhập cảnh hay hạn chế xuất khẩu trang thiết bị, vật tư y tế. 

Đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh

Một trong những điều chỉnh đối ngoại mạnh mẽ nhất đang được hàng chục quốc gia tiến hành thời gian này là đóng cửa biên giới. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện Liên minh châu Âu (EU) quyết định đóng cửa toàn bộ biên giới 30 quốc gia, gồm 26 nước thành viên EU và các nước thuộc khối Schengen, trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 17/3. Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với hàng nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày. 

Cùng thời điểm, Mỹ và Canada cũng nhất trí đóng cửa biên giới giữa hai nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mỹ là nước sau cùng Canada thực hiện cấm nhập cảnh. Trước đó, Nga cũng quyết định phong tỏa biên giới, cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Nga từ 0h ngày 17/3 đến ngày 1/5.

Mới hơn, ngày 19/3, Chính phủ Australia quyết định đóng cửa biên giới, cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh. Sắc lệnh có hiệu lực từ tối 20/3. Biện pháp tương tự cũng được chính quyền Đài Loan công bố trước đó một ngày.

Một loạt các quốc gia khác như Argentina, Chile, Guatemala, Tunisia, Sudan… cũng đã thực hiện đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ như một biên pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia đã và đang triển khai đóng cửa một phần biên giới để đối phó dịch bệnh. … Lệnh cấm nhập cảnh và đóng cửa biên giới được nhiều nước triển khai sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu ngày 13/3 vừa qua.

Cấm bay, siết chặt điều kiện nhập cảnh và hạn chế xuất khẩu vật tư y tế

Một trong những quyết định cấm bay gây tranh cãi nhất trong chiến dịch đối phó đại dịch Covid-19 của các nước là lệnh cấm bay từ châu Âu tới Mỹ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, ngày 11/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố dừng tất cả các chuyến đi từ Châu Âu tới nước Mỹ trong vòng 30 ngày để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Hành động của Washington đã vấp phải sự chỉ trích cực kỳ dữ dội từ các quốc gia châu Âu vẫn luôn được biết đến là những đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ.

Đóng cửa biên giới thời đại dịch - ảnh 2

Hành khách trở về Mỹ được kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc - Ảnh: YONHAP/TTXVN

Ngoài Mỹ, lệnh cấm bay đến và đi từ một phần lãnh thổ hay toàn bộ quốc gia cũng được hàng chục quốc gia áp dụng, điển hình là trong thời kỳ dịch bùng phát dữ dội tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) hay Daegu (Hàn Quốc)…

Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia đã thực hiện các giải pháp ít quyết liệt hơn nhưng cũng thể hiện sự điều chỉnh đáng kể trong chính sách đối ngoại tạm thời là thắt chặt điều kiện nhập cảnh. Trong đó, quyết định siết chặt điều kiện nhập cảnh của Nhật Bản đối với công dân Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, do động thái này làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng trong mối quan hệ bang giao vốn rất nhiều sóng gió giữa hai nước. Còn theo các thống kê chưa đầy đủ, số lượng các nước điều chỉnh điều kiện nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã lên tới con số hàng trăm, phản ánh mức độ quan tâm lớn của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm của nhân loại.

Ngoài ra, rất nhiều quốc gia đã lựa chọn giải pháp hạn chế xuất khẩu trang thiết bị và vật tư y tế để dành nguồn lực đối phó dịch bệnh, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế và thậm chí cả uy tín bang giao quốc tế.

Theo các nhà phân tích, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia để đối phó đại dịch lớn của nhân loại là cần thiết. Thế nhưng, vô hình trung, các biện pháp này lại đang gây ra những hạn chế nhất định đối với sự hợp tác toàn cầu vốn được coi là một trong những chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh.

Feedback