Đối thoại Sangri-La: Xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định

Ánh Huyền (Tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Đối thoại Shangri ngày càng khẳng định được vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế.

Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 20 kết thúc hôm chủ nhật (4/6), tại khách sạn Shangri-La của Singapore sau 3 ngày diễn ra. Tâm điểm chú ý của Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung vào nhiều vấn đề nóng của an ninh thế giới, những tác động đối với châu Á, tìm giải pháp xây dựng lòng tin, hợp tác cùng đối phó với các thách thức.

Trong những năm qua, Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn cởi mở và trung lập để các bên trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Năm nay, con số hơn 500 đại biểu tham dự cùng chương trình nghị sự dày đặc, với 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận song song và nhiều cuộc gặp song phương bên lề, đã cho thấy châu Á- Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh thực tế an ninh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, như: cạnh tranh giữa các cường quốc; việc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực; tranh chấp lãnh thổ; môi trường…

Đối thoại Sangri-La: Xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định - ảnh 1Tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 20 năm nay, hơn 600 đại biểu từ 49 nước đã tham dự các phiên họp toàn thể trong 3 ngày. Ảnh: AP

Shangri-La đề cao trách nhiệm tập thể và luật pháp quốc tế

Trong bối cảnh đó, chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung vào xây dựng lòng tin, vai trò của các cường quốc trong khu vực, đề cao trách nhiệm tập thể và luật pháp quốc tế trong kiểm soát các rủi ro và cạnh tranh. Nhiều ý kiến cho rằng các điểm nóng như Ukraine, Triều Tiên hay Sudan đã một lần nữa cho thấy các hành động đơn phương đã làm lung lay niềm tin của các quốc gia về các quy tắc chung của luật pháp cũng như các mối quan hệ quốc tế, qua đó tạo ra nguy cơ phá vỡ ổn định và an ninh của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới.

Trong phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh: với nhận thức lâu dài về việc xây dựng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, Đối thoại Shangri-La đề cao giá trị của các cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng. Việc giữ gìn hòa bình và an ninh không phải là nhiệm vụ mà bất kỳ một quốc gia nào có thể gánh vác một mình, vì sự thịnh vượng của khu vực luôn được thúc đẩy bằng sự chia sẻ. Theo Thủ tướng Australia Anthony Albanese, sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chỉ có thể được đảm bảo thông qua trách nhiệm tập thể.

Đối thoại Sangri-La: Xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định - ảnh 2Phiên thảo luận hôm 3/6/2023 với chủ đề “Xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore. Ảnh: IISS

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, bà Anita Anand, khẳng định Canada luôn tìm kiếm sự cùng tồn tại và hợp tác. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ là một tài liệu chính sách mà việc xây dựng một khu vực an toàn và ổn định đòi hỏi những đóng góp hữu hình.

Shangri-La 2023 cũng chứng kiến sự tham gia đông đảo của đại diện đến từ Liên minh Châu Âu (EU). Châu Âu và châu Á- Thái Bình Dương có lợi ích trực tiếp đối với an ninh của nhau và các bên mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy, cùng nhau thúc đẩy an ninh. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell khẳng định những thách thức thế giới đang phải đối mặt không cho phép có giải pháp nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác mạnh mẽ.

Thúc đẩy tầm nhìn chung cho khu vực

Một điểm nhấn thu hút sự quan tâm lớn tại Đối thoại Shangri-La năm nay là phiên thảo luận “Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết của  nước này về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thể bị bỏ qua và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng tại khu vực đều không thể chấp nhận được và Mỹ sẽ cùng các đối tác thúc đẩy tầm nhìn chung cho khu vực.

Liên quan tới một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La năm nay là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đưa ra những cách tiếp cận trái ngược nhau đối với hoà bình, ổn định và an ninh tại châu Á- Thái Bình Dương tại Đối thoại năm nay, song dư luận vẫn nhận định hai bên không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới. Một triển vọng tích cực, nồng ấm hơn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc là điều mà nhiều nước mong đợi để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết các thách thức chung.

Được tổ chức từ năm 2002, trong những năm qua, Đối thoại Shangri-La đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri ngày càng khẳng định được vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế.

Feedback