Việc tổ chức lại bộ máy của cả hệ thống chính trị là một nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội. Dư luận cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tổ chức sắp xếp lại bộ máy đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
|
Nghiên cứu gần đây về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy ngân sách nhà nước ước tính chi khoảng 14 nghìn tỉ đồng cho toàn bộ khối này, gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và gấp 5 lần cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Tính cộng gộp thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1% đến 1,7% GDP của cả nước.
Hạn chế về mô hình và tổ chức hoạt động
Thống kê từ dữ liệu ngân sách nhà nước trên cổng thông tin của Bộ Tài chính cũng cho thấy chi cho Trung ương hội của tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các trung ương hội khối các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm, kể từ năm 2006 đến năm 2015. Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ… Chi thường xuyên (cho lương và chi phí hành chính) trung bình chiếm phần lớn số tiền ngân sách được hỗ trợ. Do vậy, phổ biến là tình trạng chỉ có kinh phí nuôi bộ máy, mà hầu như rất ít kinh phí để làm việc.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng: “Con số chi ngân sách cho các tổ chức Hội rất lớn. Đây là khoản chi ngân sách dành cho các tổ chức lớn được thành lập và hoạt động theo nhu cầu và hoạt động của nhà nước. Thứ hai, việc chi ngân sách nhà nước lớn cho các tổ chức chính trị- xã hội, dấu hỏi đặt ra hiệu quả hoạt động các tổ chức này ra sao. Tôi có thể nói rằng, có những nghiên cứu, điều tra khảo sát gần đây cho thấy hoạt động đoàn thể quần chúng kém hiệu quả, mang nặng tính tính hình thức hành chính”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: Những hạn chế về mô hình tổ chức và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể nhà nước đã tồn tại nhiều năm qua. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay thì đây chính là cơ hội để đánh giá lại và sắp xếp các tổ chức đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó cần đổi mới về cơ chế tài chính. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Từ năm 1981, Bộ Tài chính đã có thông tư 79 quy định về tính tự chủ của các tổ chức xã hội. Bây giờ cũng rất lâu rồi, mấy chục năm nay mới quy định vấn đề này. Cho nên theo tôi trong tình hình ngân sách khó khăn, chúng ta không thể bao cấp mãi cho các Hội hoạt động. Tôi tán thành quan điểm nhà nước chỉ hỗ trợ hoặc bảo đảm chi phí, kinh phí cho các nhiệm vụ nhà nước giao hoặc các công trình dự án mà Hội tham gia theo cơ chế đấu thầu chứ không cấp kinh phí tràn lan”.
Đã có những mô hình điểm
Trên thực tế, đã có địa phương như tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn các tổ chức hội, đoàn thể, sáp nhập Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội vào một cơ quan với tên gọi ở cấp huyện là “Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị”. Cấp xã, phường, thị trấn là “Bộ phận phối hợp thống nhất hành động”. Tuy nhiên, tại hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm nay, nhiều đại biểu của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội bày tỏ lo ngại việc sắp xếp lại sẽ xảy ra những điểm bất cập, cắt khúc, tồn đọng bởi điều lệ và mục đích, mục tiêu của từng tổ chức có nhiều điểm khác nhau.
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu thực tế ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trung ương: “Mặt trận nhiệm vụ được giao tăng lên, do đó rất nặng nề trong giám sát, phản biện xã hội ở cơ sở. Trong khi đó cán bộ Mặt trận ở cơ sở trình độ nhất định, lương và thu nhập thấp. Do đó phải lựa chọn và làm thế nào để có đội ngũ cán bộ là bài toán đặt ra đối với công tác Mặt trận Trung ương và người phụ trách công tác tổ chức của Mặt trận”.
Sắp xếp, tái cơ cấu các tổ chức hội, đoàn thể theo hướng tinh gọn vừa góp phần giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước, đồng thời vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này đang là yêu cầu cấp bách. Song như trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) thì “các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra. Theo đó, những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần.