Ngày 13/10 là ngày Việt Nam vinh danh cộng đồng doanh nhân Việt. Trong hơn 40 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, giới doanh nhân Việt Nam có nhiều phát triển, đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam, khẳng định quan điểm của Chính phủ về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Vai trò của doanh nhân Việt ngày càng được thể hiện và đề cao, nhất là khi có nhiều doanh nghiệp Việt đã phát triển rất nhanh và thành công trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp này đã tạo ra được những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường thế giới và có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại.
Năng động và giàu khát vọng
Doanh nhân Việt Nam có chung một khát vọng làm giàu và rất năng động khi nhìn thấy các cơ hội kinh doanh mới. Họ có khả năng chịu đựng tốt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và nỗ lực vươn lên khi gặp khó khăn. Cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước vào nền kinh tế thế giới, với vị thế ngày càng được khẳng định trước cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư quốc tế của Việt Nam, vai trò của doanh nhân Việt ngày càng được thế hiện. Một số doanh nghiệp Việt đã phát triển rất nhanh và thành công trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp Việt này tạo ra được những thương hiệu Việt uy tín trên thị trường thế giới và có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại.
Khi nền kinh tế Việt Nam càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì các doanh nhân Việt càng phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nhân ngoại ngay trên sân nhà mình. Để thắng được trong cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu, các doanh nhân Việt đã và đang xây dựng nền tảng về con người, công nghệ, hệ thống quản trị để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững. Về điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh:
"Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt, phấn đấu vươn lên hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, không ngừng học hỏi, năng động sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, phương pháp quản lý hiện đại, đổi mới thiết kế, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp thị, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực."
Chính phủ nâng bước cho doanh nhân
Mong muốn mở ra thời kỳ mới cho doanh nhân sải cánh bay lên cùng đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoạch định rõ các khâu đột phá chiến lược để nâng bước cho doanh nhân là động viên toàn dân khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nhân và nỗ lực đưa đàn sếu doanh nhân cùng bay về một hướng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, trước hết bằng việc lắng nghe, sau đó là mở ra công cuộc cắt giảm các chi phí, giấy phép con trên diện rộng và toàn diện ở các lĩnh vực trong vòng hai năm qua để tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển. Chính phủ cũng xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp điều hành. Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần trong năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Từ việc lắng nghe doanh nhân, hành lang thể chế ngày càng được xây dựng thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Hàng loạt dự luật đã được trình lên Quốc hội nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt Nghị quyết, nghị định, chỉ thị về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhiều hơn nữa, đặc biệt là đối với Bộ Khoa học và công nghệ để giúp các doanh nghiệp thực sự đột phá, vươn lên nắm bắt tốt cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Từ đó, để bắt nhịp với các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước cung cấp các giải pháp ứng dụng hữu hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp. "
Năm 2016, năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ thành lập doanh nghiệp khi lần đầu tiên, con số này vượt ngưỡng 100 nghìn doanh nghiệp. Năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục vượt ngưỡng, quy mô vốn đăng ký, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Chính phủ đang nỗ lực duy trì cao trào này để đạt được kết quả trước năm 2020, cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, duy trì sự đóng góp của doanh nhân vào sự phát triển của đất nước.