Đầu tư nghiên cứu công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu mới, năng lượng tái tạo…, để tạo ra các sản phẩm xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việt Nam hiện cũng không đứng ngoài xu thế này. Định vị thương hiệu quốc gia xanh, tạo ra những sản phẩm giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường chính là chìa khoá để Việt Nam xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, phục hồi và tăng trưởng bền vững.
VinFast ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế với dòng sản phẩm ô tô thân thiện với môi trường - Ảnh: vietnamnet |
Báo cáo của Hãng định giá thương hiệu Brand Finance đưa ra hôm 20/4 cho biết Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Để duy trì tốc độ này và để bắt nhịp với xu hướng của kinh tế xanh - tuần hoàn, định vị thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia, Việt Nam đang đẩy mạnh “xanh hóa” gắn với phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Xây dựng thương hiệu Việt “xanh” trong chuỗi giá trị toàn cầu
Brand Finance, Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, đánh giá bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022. Trong bảng đánh giá Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm ngoái, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 32/100.
Thời gian qua, các thương hiệu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu. Doanh nghiệp ngày càng ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” để giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dệt may, da giày và nhiều loại nông sản, Việt Nam từng được “mặc định” là chủ yếu xuất khẩu thô, rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng ra thế giới. Song câu chuyện đã thay đổi từ nhiều năm nay khi Việt Nam dần khẳng định với những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp “tỉ USD” đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như Viettel, Vinamilk, Trung Nguyên…Tập đoàn TH đưa vào công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, trở thành doanh nghiệp tiên phong sản xuất xanh trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, đồng thời tạo thành hiệu ứng cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này tiếp cận công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững trong tương lai. Hay VinFast ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế với dòng sản phẩm ô tô thân thiện với môi trường….
Quả vậy, trong tiến trình hội nhập quốc tế, tăng trưởng xanh được coi là chìa khóa để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Mặt khác, kinh tế xanh, tuần hoàn, tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường đang trở thành xu hướng toàn cầu.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - Ảnh: TTXVN |
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhận định: "Trong thời gian gần đây, xanh hóa hướng tới tăng trưởng bền vững hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Xu hướng tiêu dùng hiện nay đã dần chuyển dịch sang những sản phẩm thân thiện với môi trường nên sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao thương hiệu, thu hút người tiêu dùng".
Sự đồng hành của chính phủ trong phát triển xanh
Việc ngày càng có nhiều thương hiệu Việt khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế cho thấy những bước đi đúng đắn và kịp thời trong định hướng phát triển xanh, bền vững của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao.
Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finence châu Á - Thái Bình Dương, nhận định tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện. "Thương hiệu quốc gia của Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, để xây dựng vững chắc thương hiệu này thì Việt Nam cần các khoản đầu tư phù hợp đi kèm với các cơ chế của chính phủ. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất thuận lợi. Do đó, để tiếp tục tăng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam nên tiếp tục quảng bá về nền kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh được tạo thuận lợi và uy tín của doanh nghiệp được nâng cao, cần quảng bá thêm hình ảnh Việt Nam gắn với những giá trị xanh, bền vững" - ông nói.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt. Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực trong phát triển xanh. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, góp phần lan toả, tạo ra sức mạnh, vị thế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.