Bắt đầu từ hôm nay (1/4), Việt Nam tiến hành cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ ở 63/63 tỉnh, thành phố. Diễn ra trong 1 tháng, từ 1/ 4 đến 30/4, kết quả của cuộc điều tra cung cấp thông tin quan trọng giúp đánh giá tình hình phát triển dân số trong 5 năm qua, đánh giá một số thông tin chuyên sâu về nhân khẩu học giúp xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở trong thời gian tới.
Tổng điều tra và điều tra thống kê là một trong các nguồn thông tin chính phục vụ tính toán chỉ tiêu thống kê và biên soạn các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ là 1 trong 45 cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng quy định tại Quyết định số 03 ngày 15/2/2023.
Cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được thực hiện giữa chu kỳ của 2 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở vào năm 2019 và năm 2029. Cuộc điều tra thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Cùng với đó, điều tra cũng cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) Vũ Thị Thu Thủy cho biết:Điều tra sẽ cung cấp thông tin rất chi tiết về tình hình dân số cũng như chất lượng dân số để phục vụ cho việc đánh giá xây dựng chính sách phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Trước đó, Tổng điều tra dân số năm 2019 đã cung cấp thông tin rất quan trọng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng căn bản: dân số là gốc rễ và cũng đưa ra các khuyến nghị đảm bảo phát triển kinh tế xã hội dựa trên dân số vàng trong thời gian qua, đưa ra khuyến nghị chính sách để đảm bảo cân bằng giới tính trong thời gian tới.
Lần đầu tiên Việt Nam điều tra người nước ngoài đang sinh sống và làm việc
Điểm mới trong điều tra dân số và nhà ở lần này là thu thập cả thông tin về người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Theo ông Cao Văn Hoạch, Phó cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê), việc thu thập thông tin về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê, giúp Việt Nam bước đầu có được nguồn số liệu đáng tin cậy để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế - xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam. Từ đó, có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho người nước ngoài sống, làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì đây là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của bất cứ quốc gia nào.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Xây Dựng
|
Hơn nữa, người nước ngoài được đưa vào đối tượng điều tra nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Điều tra thông tin về người nước ngoài gồm 10 câu hỏi, trong đó có giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển... Cơ quan chức năng kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp (qua phiên dịch) và gián tiếp (qua phiếu điều tra) với người nước ngoài. Phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và được gửi đến hộ gia đình người nước ngoài mà toàn bộ thành viên trong gia đình không thể sử dụng tiếng Việt.
5 năm kể từ khi Tổng điều tra dân số 2019 được thực hiện, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm đó là 96.208.984. Với kết quả trên, năm 2019 Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng kèm với đó là tốc độ già hoá dân số tăng nhanh.
Kết quả cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm nay sẽ được công bố vào tháng 12/2024. Việc thu thập thông tin về dân số và nhà ở không chỉ là cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 mà còn là cơ sở để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Quốc hội nhiệm kỳ XVI xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Hơn nữa, là dữ liệu quan trọng để giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.