Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, ... 

Ngày 24/11 là tròn một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức. Một năm qua, công tác phát triển văn hóa đã được các cấp, ngành và các địa phương trên cả nước đặc biệt quan tâm thúc đẩy với tinh thần coi phát triển văn hóa là nền tảng và động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.  

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội - ảnh 1Một màn biểu diễn ngợi ca công lao dựng nước của các vua Hùng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua, công tác phát triển văn hóa được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong đó, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 được tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai một cách tích cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh rằng, văn hóa là một trong những sức mạnh nội sinh rất căn cốt, chiến lược của dân tộc Việt Nam.

Công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhận thức về vai trò của văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được biểu dương, nhân rộng, lan toả. Các thiết chế văn hóa, thể thao đang được quan tâm quy hoạch, đầu tư tại các địa phương, địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, đô thị.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, công tác phát triển văn hóa được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ: phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Yêu cầu này là một trong 6 quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Quan tâm hơn nữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa. Tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đời sống văn hoá cơ sở, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ”.

Phát triển văn hóa thành động lực phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐTTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam đã nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với gần 7,5 tỷ USD, chiếm 3,61% GDP và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước....

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội - ảnh 3Một màn trình diễn nghệ thuật của những người con vùng đất Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý lĩnh văn hóa, sự ra đời và thành quả đã đạt được trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là một trong nhiều minh chứng rõ ràng cho luận điểm rằng: văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp, mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng sự gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế sẽ đưa đến sự phát triển đa chiều, toàn diện và bền vững. Không thể có sự phát triển xã hội đúng nghĩa nếu không có phát triển văn hóa và phát triển vì mục tiêu văn hóa. Cùng nhận định, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Cần biến những giá trị, tài sản văn hóa thành những tiềm năng về kinh tế, những lợi thế về kinh tế hay giúp quảng bá về hình ảnh quốc gia. Chúng ta đang hình thành và triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là vì mục đích đó. Tức là chúng ta muốn những sản phẩm văn hóa phải mang cả lợi ích kinh tế nữa, để từ đó giúp cho chúng ta có một sức mạnh mềm, có một sức mạnh tổng hợp quốc gia và tạo cho chúng ta lợi thế trong một thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay”.

Trả lời phỏng vấn Đài TNVN mới đây, Tiến sỹ Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, phát triển văn hóa chính là phát huy, phát triển và khai thác mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, chiến lược của toàn thể gần 100 triệu dân Việt Nam. Bởi lẽ, văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra những mục tiêu chiến lược to lớn, trong đó xác định việc khai thác sức mạnh nội sinh của dân tộc là cực kỳ quan trọng.

Feedback