(VOV5) - Bế mạc sau hơn 1 tháng làm việc, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Trong số những nội dung quan trọng được thực hiện tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, phải kể đến việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây chính là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.
|
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (Ảnh: laodong.com.vn) |
Bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: “Đại biểu Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ là thay mặt cử tri đánh giá những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 3 mức tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Với những chức danh có phiếu tín nhiệm thấp là những lĩnh vực nóng mà các vị được bỏ phiếu tín nhiệm lần này sẽ cố gắng hoàn thành hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình. Tôi cho đây là cuộc đánh giá để làm thế nào chúng ta hoàn thành tốt hơn nữa với chức danh đại biểu của dân cử”.
Cũng trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội đã tiến giám sát theo chuyên đề “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; tiến hành chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 Bộ trưởng và trưởng ngành về những vấn đề được cử tri rất quan tâm.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành thời gian cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu vào bản dự thảo Hiến pháp năm 1992, nhất là đối với những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc, liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: “Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và cho rằng công việc này đã được tiến hành khẩn trương, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Sau kỳ họp này, Uỷ ban dự thảo sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6, với mong muốn có bản Hiến pháp chất lượng”.
|
Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 |
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật quan trọng, và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã dành thời gian phân tích, đánh giá các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Cùng với chương trình nghị sự quan trọng, lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, có tới 9 phiên làm việc của Quốc hội được phản ánh trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia để cử tri cả nước theo dõi. Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đánh giá: “Càng những kỳ họp gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII thì Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có chủ trương công khai nhiều hơn. Trước kia chỉ có phiên họp khai mạc, bế mạc, chất vấn hoặc cùng lắm là thảo luận về kinh tế - xã hội. Gần đây đã là giám sát chuyên đề, một số luật, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thảo luận để nhân dân nắm được kỹ hơn, qua đó chính là quá trình phổ biến pháp luật đối với nhân dân. Đây là cơ hội vàng để Quốc hội truyền tải thông tin với cử tri”.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII đã khép lại sau 1 tháng hoạt động với dư âm về một kỳ họp thành công, có nhiều đổi mới. Đây cũng là yếu tố quan trọng, là động lực để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này tiếp tục thực hiện tốt cả 3 chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước./.