Đàm phán thành lập chính phủ Đức thất bại: Thách thức trên con đường thành lập một chính phủ ổn định

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Với việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) bất ngờ tuyên bố rút lui, cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức đã kết thúc thất bại ngày hôm qua (20/11). Điều này khiến chính trường Đức đứng trước nguy cơ phải bước vào một cuộc bầu cử mới, đồng nghĩa với việc đường dẫn đến thành lập một chính phủ ổn định lại mất thêm chặng đường dài và còn nhiều diễn biến khó lường.

Ngày 20/11, đảng FDP chính thức thông báo rút lui, ngưng mọi đàm phán thành lập liên minh chính phủ với thủ tướng Merkel và đảng Xanh để cầm quyền. Gần hai tháng sau bầu cử Quốc Hội, nước Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Đây là kịch bản lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử CHLB Đức từ năm 1949.

Không tìm được tiếng nói chung

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, dù liên minh Đảng Bảo thủ CDU/CSU của bà Angela Merkel chiến thắng, là đảng mạnh nhất trong Quốc hội, nhưng buộc phải liên minh với các đảng khác để đủ điều kiện thành lập liên minh cầm quyền, điều hành đất nước.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần đàm phán, thương lượng, các đảng trong chính trường Đức không đạt được sự đồng thuận, dẫn đến việc khó thành lập liên minh. Các vấn đề chưa đồng thuận chủ yếu xoay quanh lập trường về biến đổi khí hậu, chính sách thuế và kiểm soát nhập cư.

Đàm phán thành lập chính phủ Đức thất bại: Thách thức trên con đường thành lập một chính phủ ổn định - ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. - Ảnh: CDU 

Trong khi Đảng Xanh thiên tả nỗ lực thúc đẩy chấm dứt việc sử dụng than và động cơ đốt trong đến năm 2030, các đảng khác cũng cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon, thì liên minh của bà Merkel chưa đưa ra thời hạn cụ thể để “khai tử” việc sử dụng than. Về vấn đề nhập cư, đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel muốn đặt ra định mức trần thường niên về số người nhập cư trong khi Đảng Xanh thiên tả muốn chính quyền Đức tiếp nhận thêm nhiều người nhập cư để chiếm cảm tình, thu nạp những người thân cận đồng quan điểm nhập vào đảng của họ.

Trước những mâu thuẫn này, đảng FDP đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh. Theo nhà lãnh đạo FDP Christian Lindner, nguyên nhân là các chính đảng tham gia đàm phán không tìm được cơ sở tin tưởng hay một ý tưởng chung cho việc hiện đại hóa đất nước, vốn được coi là điều kiện tiên quyết cho một chính phủ ổn định. 

Nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại

Trước diễn biến hiện nay, giới quan sát nhận định có thể xảy ra 3 kịch bản đối với chính trường nước Đức những ngày tới.

Thứ nhất, liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel sẽ liên minh với đảng Xanh để thành lập chính phủ thiểu số. Thứ hai là Thủ tướng Angela Merkel có thể quay lại kêu gọi đàm phán với đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), vốn là đối tác của liên minh CDU/CSU trong 4 năm qua. Tuy nhiên, đến nay khả năng này gần như bị loại. Bởi ngay sau khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức kết thúc thất bại, SPD một lần nữa khẳng định chủ trương không tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh, bất kể các diễn biến trên chính trường hiện nay. 

Đàm phán thành lập chính phủ Đức thất bại: Thách thức trên con đường thành lập một chính phủ ổn định - ảnh 2Ảnh: Tô Chiêm/VOV5 

Kịch bản thứ 3, được cho là dễ xảy ra hơn cả, là nước Đức tiến hành bầu cử lại. Theo kịch bản này, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới. Điều này phù hợp với tuyên bố của bà Angela Merkel ngay sau khi đàm phán thất bại, rằng bà sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Đức để thông báo về kết quả của vòng đàm phán vừa qua, đồng thời làm việc với ban lãnh đạo đảng CDU/CSU để thảo luận về các bước đi tiếp theo.

Trong trường hợp Đức bắt buộc phải tiến hành cuộc bầu cử lại, các nhà quan sát nhận định kết quả bầu cử sẽ tạo ra một Quốc hội không khác mấy so với hiện nay. Chưa kể, đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AFD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức. Điều này đồng nghĩa với việc nỗ lực thành lập một chính phủ mới càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, hiện tại, mọi sự chú ý và hy vọng dồn vào Thủ tướng Angela Merkel. Thực tế, với kinh nghiệm chính trường dày dạn, trên hành trình trở thành người đàn bà quyền lực nhất châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel thường gắn với nhiều thăng trầm và biến động lớn của nước Đức. Với những khó khăn thử thách lần này, dư luận vẫn đặt niềm tin bà sẽ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu đi qua cuộc khủng hoảng.

Feedback