Hiện Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm và đã xây dựng nhiều khung khổ pháp lý đảm bản quyền của người khuyết tật. Các bộ, ban ngành, địa phương cũng nỗ lực triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Bài viết của Kim Thanh nhân ngày quốc tế người khuyết tật (3/12).
Ảnh minh họa: Người khuyết tật chia sẻ về vấn đề bất bình đẳng và kỳ thị, phân biệt đối xử giữa người khuyết tật, người bình thường. |
Trong 8 triệu người khuyết tật Việt Nam, chỉ có 30% người khuyết tật ở độ tuổi lao động có khả năng lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật, vừa giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, vừa góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đảm bảo về việc làm
Để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc cho người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật người khuyết tật... Các văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở triển khai các chính sách đến người khuyết tật tại các địa phương. Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, cho biết: “Luật pháp đã quy định quyền có việc làm của người khuyết tật ở trong Luật người khuyết tật và mới đây nhất là chúng ta đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Những khuôn khổ pháp lý quy định nội dung này chúng ta đang từng bước hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của Việt Nam, giúp cho người khuyết tật có cơ hội tiếp cận toàn diện, đầy đủ về quyền có việc làm, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ cho người khuyết tật được học nghề. Chúng ta cũng sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật tự tạo việc làm, tự tổ chức sản xuất, kinh doanh để họ có thể tự tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển, vươn lên”.
Nhờ hệ thống chính sách đầy đủ mà cho đến nay, đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho người khuyết tật để hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật. Hiện nay có hơn 15.000 lao động là người khuyết tật và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm.
Được chăm sóc y tế
Trong lĩnh vực y tế, hiện nay đã có 100% số người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo của Việt Nam đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều người khuyết tật đã được phục hồi chức năng, được cấp các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt, như: chân tay giả, xe lăn, xe lắc, xe đạp, máy trợ thính… Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nên nhiều người khuyết tật vẫn khó tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là những người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Với mong muốn bảo đảm cho người khuyết tật được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng như những người khác, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể chế độ này trong hệ thống pháp luật nước mình. Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, cho biết thêm: “Chúng ta có hệ thống bệnh viện, mạng lưới y tế của ngành y tế và trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành lao động, thương binh, xã hội trải đều trên phạm vi cả nước. Chúng ta cần xây dựng những chương trình ở cấp độ quốc gia về phục hồi chức năng cho người khuyết tật, phát triển cơ chế chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật có cơ hội phục hồi chức năng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”.
Mục tiêu của Đề án Trợ giúp người khuyết tật 2012 – 2020 của Việt Nam là hằng năm 90% số người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; khoảng 70.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Còn về tạo việc làm, mục tiêu đến năm 2020, 100% người khuyết tật Việt Nam có khả năng lao động, có kỹ năng nghề sẽ có việc làm. Các cấp các ngành và các địa phương của Việt Nam đang tập trung hoàn thiện lại các khuôn khổ pháp lý và tạo các điều kiện thực tế để đảm bảo sự hòa nhập, bình đẳng đối với người khuyết tật.