Đảm bảo an sinh xã hội để thúc đẩy nhân quyền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)  - Trong nhiều nội dung liên quan tới nhân quyền, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm tới việc bảo đảm an sinh xã hội. Dưới tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, những năm qua, Việt nam càng chú trọng thực hiện an sinh xã hội, coi an sinh xã hội như một yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng, củng cố và phát triển nhân quyền.

(VOV5)  - Trong nhiều nội dung liên quan tới nhân quyền, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm tới việc bảo đảm an sinh xã hội. Dưới tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, những năm qua, Việt nam càng chú trọng thực hiện an sinh xã hội, coi an sinh xã hội như một yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng, củng cố và phát triển nhân quyền.

Đảm bảo an sinh xã hội để thúc đẩy nhân quyền - ảnh 1
Tư vấn hướng nghiệp - Ảnh:tuoitre.vn

Bảo đảm an sinh xã hội gắn với quyền con người, bao gồm quyền có việc làm, thu nhập, nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe và dùng nước sạch, được sống trong môi trường an toàn, được tạo mọi điều kiện mưu cầu hạnh phúc... . An sinh xã hội cho mọi người, trong đó có người khuyết tật, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai địch họa, môi trường và dễ bị tổn thương khác… rất phù hợp với động lực, mục tiêu xuyên suốt trong các giai đoạn cách mạng trước đây và trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Chủ trương phát triển an sinh xã hội được Ðảng và Nhà nước Việt nam thể hiện nhất quán với nội dung ngày càng hoàn thiện trong những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, cũng như trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Điều này được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng ASEM về Lao động Việc làm lần thứ 4, hồi tuần đầu tháng 10-2012 tại Hà nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội là một chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Trong những năm qua, mặc dù còn hạn chế về nguồn lực, nhưng Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Các chính sách không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, đối tượng hưởng chính sách được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Chính phủ Việt Nam triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về việc làm, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, tạo nên đồng thuận và ổn định chính trị xã hội.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội gắn với thực hiện quyền con người. Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2011, chi cho an sinh xã hội của Việt nam bình quân chiếm 6,6% GDP/năm, trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 51%. Nhà nước đã ban hành 20 chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo, người khuyết tật, người đi lao động ở nước ngoài, người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình thuộc các huyện nghèo, vùng khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước có 10 triệu 130 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; khoảng 7,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 57 triệu người, tức là khoảng 62% dân số, tham gia bảo hiểm y tế. Những chỉ số an sinh xã hội của Việt nam, trong đó có xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em… từng được Liên hiệp quốc công nhận năm 2000, khi Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng khẳng định rõ kết quả thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam: Kết quả thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam cũng được công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua ở khu vực Đông nam á. Với chính sách của Đảng và Nhà nước và với những nỗ lực của bản thân, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tất cả các lĩnh vực: quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, đối ngoại, khoa học công nghệ và xây dựng gia đình tiến bộ.

Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội ngày càng đa dạng và toàn diện, phù hợp hơn với những điều được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc... Không dừng lại ở đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành quốc gia có hệ thống an sinh xã hội toàn dân. Việt Nam phấn đấu trong giai đoạn 2012 - 2020, bình quân mỗi năm sẽ bảo đảm tổng chi cho an sinh xã hội đạt khoảng 13,5% GDP, đồng thời sẽ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020. Việt Nam sẽ thực hiện xây dựng Báo cáo quốc gia về an sinh xã hội, xây dựng bộ chỉ số an sinh xã hội làm cơ sở theo dõi và đánh giá hiệu quả thực hiện an sinh xã hội trong từng thời kỳ và tham chiếu với quốc tế, nhằm tạo ra những bước tiến mới trong bảo đảm an sinh xã hội, như là việc làm thiết thực nhất để bảo đảm nhân quyền./.

Feedback