Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Hoa Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh hiện nay, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tăng cường giám sát phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ chính đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc.
(VOV5) - Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ diễn ra từ 25 – 27/9, tại Hà Nội. Với chủ đề "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới phát triển”, Đại hội là dịp để đổi mới các hoạt động của Mặt trận nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 


Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trong bối cảnh hiện nay, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tăng cường giám sát phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ chính đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc.


Tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân


Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc, tạo nên sức mạnh dẫn đến thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Để tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và lãnh đạo tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trung ương Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm chăm lo và phát huy các giai cấp, các tầng lớp, các lực lượng trong xã hội. Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường tập hợp, thu hút thêm nhiều đoàn viên, hội viên mới, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào các tổ chức thích hợp.


Phát huy vai trò trung tâm đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân bằng các cuộc vận động mang tính toàn dân. Bên cạnh đó, Mặt trận không ngừng lắng nghe và tập hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật. Trong tình hình mới, để xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phát huy phương thức tập hợp của Mặt trận, đặc biệt cần phát triển hình thức liên kết trong nước và ngoài nước, giữa các tôn giáo, dân tộc, các địa phương để tạo được sự đoàn kết bền chặt hơn. Ông Trần Hậu, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, cho rằng:
“Tôi đề nghị nên công bố chương trình Đại đoàn kết dân tộc vì tổ quốc Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh. Đây là yêu cầu mà tôi cho rằng hơn 90 triệu đồng bào mong mỏi, hướng về Đại hội để nghe tiếng nói, nghe lời kêu gọi của Đại hội. Tôi cho rằng, lúc này là lúc cần có tuyên ngôn về Đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới”.


Tăng giám sát phản biện xã hội


Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ động viên tinh thần yêu nước, nhiệt tình lao động của toàn dân mà còn phải đảm nhiệm vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Giám sát và phản biện xã hội không chỉ là việc đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước mà là tư vấn thẩm định đối với những chủ trương, chính sách để làm cho sự lãnh đạo, điều hành được tốt hơn. Đổi mới Mặt trận lúc này cần biết phát huy lợi thế này để Mặt trận mang được tiếng nói người dân đến với các cấp chính quyền.


Về phản biện, thời gian qua, riêng việc đóng góp xây dựng Hiến pháp 2013, trong số 22 triệu lượt người có ý kiến thì các thành viên của Mặt trận đóng góp trên 8 triệu lượt ý kiến. Hay như Luật Đất đai sửa đổi, Mặt trận cũng tổ chức nhiều cuộc thảo luận để góp ý.


Về giám sát, hiện nay, Mặt trận đang triển khai 5 nội dung giám sát ở cấp quốc gia và các địa phương. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng ký kết chương trình phối hợp với nhiều Bộ, ngành để giám sát theo lĩnh vực.


Để Mặt trận phát huy cao hơn hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện, ông Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tổ chức thành viên của MTTQ, cho rằng: 
“Yếu tố con người - cán bộ Mặt trận phải có trình độ, có năng lực  mới đủ điều kiện để giải thích cho dân, hướng dẫn cho dân. Muốn giám sát được phải có chương trình giám sát, nội dung giám sát và con người đủ khả năng giám sát”.


Mặt trận Tổ quốc là tổ chức chính trị - xã hội có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Việc tăng cường khả năng đoàn kết toàn dân, tăng giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn tới sẽ góp phần củng cố, khẳng định vai trò của Mặt trận, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước./. 

Feedback