Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 10 - mốc mới trong phong trào thi đua yêu nước

Tuyết Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước, từng bước được đổi mới với nhiều hình thức.

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/12, tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 10 - mốc mới trong phong trào thi đua yêu nước - ảnh 1

Ảnh minh họa

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có khoảng 2.000 đại biểu chính thức. Trong đó, nhiều đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, các cá nhân tiêu biểu đại diện của 53 dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có 20 điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; 30 tài năng trẻ tiêu biểu, thiếu niên, nhi đồng xuất sắc...

Phong trào thi đua trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

5 năm qua, kể từ Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9 (12/2015), phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước, từng bước được đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Các phong trào thi đua đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng, tôn vinh; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thành tựu 35 năm đổi mới.

Đơn cử, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” góp phần đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 về đích trước gần 2 năm. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có hơn 5 nghìn xã (60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (24,4%) của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết trong cộng đồng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Phong trào“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được cụ thể hóa bằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ… Trong điều kiện rất khó khăn do dịch COVID - 19 và suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng. Đến tháng 10/2020, Việt Nam có gần 800 nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (5,54%) so với tháng 12/2019.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 10 - mốc mới trong phong trào thi đua yêu nước - ảnh 2

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực - Ảnh: mattran.org.vn

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam  Ngô Sách Thực đánh giá: "Đất nước có được cơ đồ như hiện nay là nhờ công sức của toàn Đảng, toàn dân, của hàng triệu công nhân, nông dân,  doanh nhân, trí thức, tất cả thành viên trong xã hội, Nhờ thi đua và đoàn kết nên trong kháng chiến kiến quốc đã giành được độc lập, trong xây dựng đã có đoàn kết, đoàn kết sáng tạo để vươn lên, để đất nước có vị thế như ngày hôm nay".

Tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là sự kiện chính trị quan trọng, là nơi chia sẻ những cách làm hay, những mô hình mới, nhằm tạo sự lan tỏa ý nghĩa nhân văn, truyền thống đạo đức quý báu của đất nước và con người Việt Nam trong xã hội, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay. Đại hội sẽ tiếp tục khơi dậy sức mạnh đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Thi đua là phải dân chủ, phải sâu sát, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì phải phát huy hết vai trò, trí tuệ , lực lượng của nhân dân. Bởi tất cả  không dựa bào dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì không thành công".

Với những thành tựu đã đạt được trong phong trào thi đua những năm qua và những quyết sách sẽ được thông qua tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, phong trào thi đua sẽ có động lực mới, sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Feedback