Sau nhiều nỗ lực trung gian của Ai Cập và cộng đồng quốc tế, đêm 7/8, quân đội Israel và nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihad (PIJ) ở dải Gaza đã bắt đầu thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện, tạm thời khép lại chuỗi ba ngày giao tranh ác liệt cướp đi mạng sống của hàng chục người Palestine. Dư luận quốc tế đánh giá cao tiến triển này, song đồng thời cảnh báo rằng việc duy trì lệnh ngừng bắn là một thách thức lớn, cần sự chung tay nỗ lực cũng như thiện chí thực sự của tất cả các bên liên quan.
Rocket phóng về phía Israel ngày 5/8/2022. Ảnh: Reuters |
Đợt giao tranh kéo dài ba ngày vừa qua là lần giao tranh ác liệt và đẫm máu nhất giữa quân đội Israel và các tay súng ở dải Gaza trong hơn một năm qua. Vụ việc gây quan ngại sâu sắc trong dư luận khu vực và quốc tế bởi bối cảnh tình hình bất ổn tại Trung Đông cũng như tính chất phức tạp của cuộc xung đột Palestine-Israel.
Chiến sự bùng phát và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế
Giao tranh bùng phát ngày 5/8 sau khi quân đội Israel bất ngờ mở nhiều cuộc không kích vào hàng loạt mục tiêu tại dải Gaza, khiến ít nhất 15 người Palestine thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy cấp cao của Jihad. Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Israel Yair Lapid nêu rõ chiến dịch tấn công phủ đầu này là nhằm ngăn chặn âm mưu tấn công Israel từ nhóm vũ trang ở dải Gaza do Iran hậu thuẫn.
Tiếp đó, trong các ngày 6 và 7/8, quân đội Israel còn mở thêm nhiều đợt không kích nữa vào nhiều vị trí khác nhau ở Gaza. Thống kê của cơ quan Y tế Palestine cho biết, ít nhất 44 người Palestine, trong đó khoảng một nửa là dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Ngoài ra, khoảng 360 người đã bị thương ở các cấp độ khác nhau, trong khi hàng trăm ngôi nhà và công trình dân sự bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần.
Đáp lại các cuộc không kích của Israel, các tay súng Jihad đã phóng hàng trăm quả rocket từ Gaza sang lãnh thổ Israel. Thống kê của nhà chức trách Israel cho biết, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các tay súng Palestine đã bắn khoảng 580 quả rocket từ dải Gaza hướng vào lãnh thổ Israel, nhưng hầu hết đã bị hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đánh chặn và không gây ra bất kỳ thương vong nào.
Theo đánh giá của các tổ chức nhân đạo quốc tế, đợt giao tranh vừa qua là lần đụng độ ác liệt và đẫm máu nhất giữa quân đội Israel và các tay súng thánh chiến Palestine ở dải Gaza kể từ giữa năm 2021. Lần giao tranh này gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế bởi nó khiến cho cơ hội khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình bị gián đoạn nhiều năm qua giữa Israel và người Palestine trở nên mong manh hơn.
Trong một tuyên bố ngày 6/8, Người phát ngôn của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell nêu rõ “EU rất quan ngại về các diễn biến mới nhất ở trong và quanh dải Gaza. EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa nhằm tránh căng thẳng leo thang hơn nữa và gây thêm thương vong”.
Củng cố lệnh ngừng bắn tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn là bước đi quan trọng trong nỗ lực bình ổn tình hình tại Trung Đông, một trong những điểm nóng xung đột dai dẳng nhất trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Điều này lý giải vì sao ngay sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lập tức lên tiếng hoan nghênh.
Trong thông báo chính thức ngày 7/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ lệnh ngừng bắn, đồng thời nhấn mạnh rằng LHQ ủng hộ giải pháp hai nhà nước dựa trên các nghị quyết liên quan của LHQ, luật pháp quốc tế và những thỏa thuận trước đó.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ra tuyên bố hoan nghênh lệnh ngừng bắn, hối thúc tất cả các bên liên quan thực thi đầy đủ thỏa thuận, đảm bảo cho hoạt động cung cấp nhiên liệu cũng như viện trợ nhân đạo thông suốt ở Gaza.
Binh sỹ thuộc quân đoàn pháo binh Israel cùng các trang thiết bị quân sự tại khu vực biên giới với Dải Gaza, ngày 7/8/2022. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đồng thời cảnh báo rằng việc duy trì lệnh ngừng bắn là một thách thức lớn khi mà cả quân đội Israel và nhóm PIJ đều tuyên bố sẽ lập tức có hành động đáp trả nếu bên kia vi phạm lệnh ngừng bắn. Hơn thế, trong quá khứ, hàng chục lệnh ngừng bắn tương tự giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine tại Gaza đã bị vi phạm và đổ vỡ chỉ ít ngày sau khi có hiệu lực vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong khi đó, bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện đang có nhiều biến động phức tạp. Trong một tuyên bố ngày 8/8, ông Tor Wennesland, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông cũng lưu ý rằng tình hình vẫn rất "mong manh" và lệnh ngừng bắn có thể đỗ vỡ bất kỳ khi nào.
Thực tế này cho thấy các bên liên quan và cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các quốc gia có ảnh hưởng như Mỹ, Ai Cập, Iran..., cần tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ đầy đủ, tạo điều kiện cho việc xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình thực chất và hiệu quả giữa người Palestine và Israel trong thời gian tới.