CPTPP, lực đẩy cho thương mại toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương khác.

Phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thành viên ký chính thức hôm nay (8/3), tại Chile. Thỏa thuận mới này được trông đợi sẽ đem lại những cơ hội to lớn trong một khu vực tự do mậu dịch trải rộng từ châu Mỹ tới châu Á, là lực đẩy thương mại toàn cầu.

Trải qua nhiều trắc trở, CPTPP hay còn gọi là TPP-11 được 11 nước thành viên nhất trí đạt được đồng thuận tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017. Tại cuộc họp của 11 trường đoàn đàm phán tại Tokyo (Nhật Bản) tháng 1 vừa qua, các bên một lần nữa nhất trí những vấn đề còn tồn tại, tiến hành rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký chính thức Hiệp định này vào ngày hôm nay.

CPTPP ra đời là bước ngoặt lịch sử trong thương mại thế giới, thể hiện nỗ lực vượt bậc của các quốc gia thành viên, đi tiên phong là Nhật Bản, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

Tính ưu việt của Hiệp định thương mại thế hệ mới

Thỏa thuận mới sẽ loại bỏ hơn 98% thuế quan thương mại tại khu vực thương mại có GDP 13.000 tỷ USD, chiếm 13,5% quy mô nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2017, trao đổi mậu dịch giữa 11 nước thành viên CPTTP là khoảng gần 360 tỷ USD.

Nội dung chính của CPTPP vẫn giữ vững những nội dung cơ bản nhất của TPP, bao gồm tự do hóa đầu tư, bảo vệ nhà đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ…Theo đó, các nước phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư thuộc các nước thành viên CPTPP. Các đối tượng này có thể hoạt động tương tự các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ nội địa. Ngoài ra, theo khuôn khổ của CPTPP, các doanh nghiệp nước ngoài được đối xử công bằng trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được trao quyền lợi và ưu đãi như nhau, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. CPTPP còn có những điều khoản mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, thương nhân, người tiêu dùng…

Đối với các nước đang phát triển như Malaysia, Việt Nam, Singapore, Peru, Chile…, điểm thu hút lớn nhất của CPTPP là có thể mở rộng các thị trường xuất khẩu. Đổi lại, các lĩnh vực như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ là những điểm hấp dẫn các quốc gia phát triển.

Mặt khác, một điều khoản quan trọng và tiến bộ của CPTPP là mở cửa cho các thành viên mới gia nhập, kể cả những nước ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Có nghĩa là CPTPP không chỉ giới hạn trong 11 nước mà mở rộng cả ra bên ngoài nếu bất cứ quốc gia nào thấy có lợi ích. Và điều đáng nói hơn cả, CPTPP vẫn luôn mở rộng cửa chào đón Mỹ, khuyến khích Mỹ cân nhắc thiệt hơn khi từ bỏ vai trò một cường quốc trong hiệp định thương mại tiến bộ đầu tiên của thế kỷ 21.

Xu thế thương mại đa phương là tất yếu

Sau khi ký kết, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực trong nửa đầu năm 2019 khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước. Việc chính thức ký kết CPTPP là một bước đi tích cực. CPTPP không những được xem là sự hồi sinh ngoạn mục của TPP, mà còn cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong việc đẩy mạnh hợp tác và hội nhập. CPTPP chứng minh một điều rằng xu thế thương mại đa phương, tự do là tất yếu và không thể đảo ngược. CPTPP ra đời cũng nhằm chống lại chiến dịch xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) theo tôn chỉ “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Như vậy, rõ ràng CPTPP đi tiên phong trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng xuất hiện trở lại trên thế giới.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mà thỏa thuận CPTPP mang lại, quan trọng hơn, CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu. Với cấu trúc mở, chào đón tất cả các nước quan tâm, CTTPP dự kiến không dừng lại ở con số 11 nước thành viên. Hiện, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia và Philippines đã ngỏ ý sẵn sàng tham gia hiệp định thương mại này. Việc mở rộng các nước thành viên có thể dẫn tới sự phát triển của các chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á, giúp gia tăng lợi ích kinh tế đáng kể cho các bên liên quan. 

Feedback