Công tác biên giới lãnh thổ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia

Ánh Huyền tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2018, trọng tâm của công tác biên giới lãnh thổ là tiếp tục nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia.

Trong những năm qua, Việt Nam đã kiên trì giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, chủ quyền biển, đảo, các quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo thuận lợi cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và quốc tế. 

Việt Nam có đường biên giới đất liền tiếp giáp với 3 nước, gồm Trung Quốc (1.281 km), Lào (2.130 km) và Campuchia (1.228 km) và bờ biển dài 3.444 km tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ, biển Đông và vịnh Thái Lan. Trong những năm qua, Việt Nam và các nước liên quan đã tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận về biên giới, giữ gìn khu vực biên giới hòa bình, ổn định, đường biên, mốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác biên giới lãnh thổ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia - ảnh 1 Mốc 42 cũng là một trong những mốc ở độ cao trên 2.800m, giữa biên giới Việt - Trung, thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu.( dulich.vnexpress.net

Thành tựu nổi bật trong năm 2017

Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc là Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu. Các cơ chế quản lý biên giới song phương tiếp tục phát huy tốt vai trò nhiệm vụ được giao. Các hoạt động tuần tra song phương, phối hợp phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, điện đàm, hội đàm định kỳ, kết nghĩa thôn bản hai bên… được duy trì hiệu quả.

Về tuyến biên giới Việt Nam-Lào, hai bên đã hoàn thành các thủ tục để hai văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào” có hiệu lực từ ngày 5/9/2017. Trong năm 2017, các địa phương biên giới, các lực lượng chức năng hai bên đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, hợp tác, trao đổi, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trên biên giới. Giao lưu nhân dân, hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập giữa hai bên biên giới được duy trì đúng quy định của pháp luật hai bên.

Về tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, tính đến cuối năm 2017, hai bên đã phối hợp tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa và đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc. Việt Nam và Campuchia phối hợp quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983, phối hợp xử lý tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới.

Năm 2017, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Đặc biệt, với vấn đề Biển Đông, Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh (trên thực địa, chính trị và ngoại giao) với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển tại Biển Đông; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản bác các hành động gây phức tạp tình hình.

Công tác biên giới lãnh thổ bảo vệ chủ quyền quốc gia

Trong năm 2018, trọng tâm của công tác biên giới lãnh thổ là nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia. Theo đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt quản lý biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc theo các văn kiện pháp lý đã ký kết, theo dõi sát và xử lý kịp thời các vụ việc có thể nảy sinh trên biên giới; hoàn tất các công việc sau tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, nỗ lực phối hợp với Campuchia đẩy mạnh pháp lý hóa 84% thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền đã đạt được giữa hai nước. Đặc biệt, nỗ lực tham gia đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên biển với các nước liên quan trong khu vực Biển Đông, đấu tranh với những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, Việt Nam đã tranh thủ được những thời cơ thuận lợi, hạn chế được những khó khăn, kiên trì giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, chủ quyền biển, đảo, các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo thuận lợi cho đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và quốc tế. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu giải quyết các vấn đề tồn đọng, quyết tâm thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Feedback